Giá dầu tăng trong bối cảnh tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm thêm 6,3 triệu thùng trong tuần trước, giảm tuần thứ 4 liên tiếp và giảm hơn 6% trong tháng 8, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ.
Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu Brent dừng ở mức 90,65 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 87,51 USD/thùng. Kể từ ngày 1/7, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng khoảng 20%.
Tuần này, giá dầu tiếp tục tăng thêm khoảng 2%, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp sau 2 tuần lao dốc không phanh.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 4 và giảm 1 phiên. Phiên lao dốc chưa đến 1 USD rơi vào phiên giao dịch thứ 4 của tuần giao dịch. Trong phiên này, giá dầu trượt dốc bởi sự mạnh lên của đồng USD và các số liệu kinh tế yếu hơn từ khu vực đồng euro, nhất là dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy xuất-nhập khẩu của nước này trong tháng 8 giảm dù nhập khẩu dầu thô tăng.
4 phiên leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi tuyên bố bất ngờ của Saudi Arabia và Nga - 2 nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới và 2 thành viên quan trọng của OPEC+ rằng sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện và sản lượng xuất khẩu tổng cộng là 1,3 triệu thùng/ngày cho đến hết năm thay vì chỉ trong tháng 10 như đồn đoán của nhiều nhà phân tích.
Tuyên bố này khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong đợt cao điểm nhu cầu mùa đông sắp tới.
Việc cắt giảm sản lượng sốc này của Saudi Arabia và Nga cũng khiến Ngân hàng UBS dự đoán giá dầu Brent có thể bị đẩy lên mức đỉnh 95 USD/thùng vào cuối năm.
Khi tuyên bố gia hạn cắt giảm, Saudi Arabia cho biết sẽ xem xét quyết định này hằng tháng và có thể tăng sản lượng nếu cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quan sát tại vương quốc này cho rằng người tiêu dùng không nên kỳ vọng Saudi Arabia sẽ thay đổi quan điểm trong năm nay.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 10/9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.471 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 24.871 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 22.645 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 22.814 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.704 đồng/kg.
Việt Anh (T/h)