Giá dầu bắt đầu tuần giao dịch ở thế trái chiều với dầu Brent tăng 13 cent, dầu WTI của Mỹ giảm 8 cent. Giá dầu chỉ dịch chuyển nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên bởi các nhà đầu tư dầu mỏ dường như bỏ qua yếu tố xung đột địa chính trị ở Trung Đông vốn ban đầu được coi là nguyên nhân thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu và nhu cầu yếu từ Trung Quốc.
Tại phiên giao dịch thứ 2, giá dầu giảm nhẹ chưa đến 40 cent sau báo cáo về sản lượng dầu thô và dữ liệu kinh tế của Mỹ. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết trong tháng 2, PCI của Mỹ đã tăng mạnh 0,4%; CPI cơ bản cũng tăng 0,4% và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát ở Mỹ vẫn dai dẳng là bởi chi phí xăng dầu và nhà ở tăng cao.
Tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm, chấm dứt chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp và khả năng gián đoạn nguồn cung sau khi các nhà máy lọc dầu của Nga liên tục bị máy bay không người lái tấn công là những yếu tố hỗ trợ giá dầu tăng vọt khoảng 3% tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần.
Đà tăng của giá dầu đã kéo dài sang phiên giao dịch thứ 4. Tại phiên này, giá dầu tăng gần 2% lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng, vượt 85 USD/thùng, do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán thị trường sẽ thắt chặt hơn và nâng mức tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay.
Theo IEA, nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm, tăng 110.000 thùng/ngày so với dự báo trong tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 2,3 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu trượt nhẹ chưa đến 20 cent. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 85,33 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 81,09 USD/thùng.
Như vậy là trong tuần, giá dầu đã tăng mạnh 2 phiên, giảm nhẹ 2 phiên và trái chiều 1 phiên. Cả dầu Brent và WTI tuần này đều bật tăng hơn 3%.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 17/3 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.490 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 23.543 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.549 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.706 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 16.432 đồng/kg.
Việt Anh (t/h)