Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 20 phút ngày 22/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI đều tăng nhẹ.
Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận tuần leo dốc với dầu Brent tăng khoảng 0,5%, dầu WTI tăng hơn 1%.
Giá dầu tuần trước biến động bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến diễn biến xung đột ở Trung Đông, sự tăng của đồng USD lên mức cao nhất trong vòng một tháng, thời tiết băng giá tại Bắc Dakota (Mỹ) làm gián đoạn nguồn cung, dữ liệu tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, và dự trữ xăng dầu của Mỹ.
Căng thẳng tại Trung Đông vẫn tiếp tục gia tăng khiến các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng nhất là trong bối cảnh sản lượng từ Mỹ bị gián đoạn một phần do giá lạnh, sản lượng từ Libya vẫn chưa được khôi phục do đóng cửa một số mỏ dầu lớn.
Trong tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 2,5 triệu thùng, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất vẫn tiếp tục tăng với mức tăng lần lượt là 3,1 triệu thùng và 2,4 triệu thùng.
Cũng trong tuần, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu toàn cầu năm nay thêm 180.000 thùng/ngày lên 1,25 triệu thùng/ngày. Mặc dù duy trì mức dự báo nhu cầu dầu trong năm 2024 là 2,25 triệu thùng/ngày như hồi tháng 12/2023, nhưng mức dự báo này của OPEC vẫn cao gần gấp 2 lần so với dự báo của IEA.
Tuần này, dữ liệu PMI sẽ cho thấy các nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu, Vương quốc Anh và Mỹ đang hoạt động như thế nào vào đầu năm. Quan trọng nữa là quyết định lãi suất sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu, dự kiến sẽ giữ nguyên trong khi thị trường sẽ tìm kiếm sự rõ ràng về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Dữ liệu GDP quý IV/2023 của Mỹ cũng sẽ cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về kinh tế Mỹ.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 22/1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.418 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 22.482 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.194 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.536 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.508 đồng/kg.
Việt Anh (t/h)