Tại Hà Nội, Hội đồng công trình xanh Việt Nam phối hợp với Đại học Xây dựng vừa tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp cho công trình xanh ứng với các vùng khí hậu của Việt Nam”.
Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự ô nhiễm môi trường sống, khí hậu… Vì vậy, phát triển xây dựng xanh là một bộ phận gắn liền với việc phát triển môi trường đô thị và nông thôn, đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng đang là xu hướng chung của toàn thế giới.
Hiện nay, mục tiêu phát triển công trình xanh ở nước ta đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ khoảng 30% số lượng các công trình được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và khoảng 10% số lượng các công trình được đầu tư mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân. Đến năm 2030, số lượng các công trình được đầu tư mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tư nhân phải được tăng lên gấp đôi.
Phó GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội đồng Xây dựng xanh Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam khẳng định: “Phát triển xây dựng xanh là một bộ phận gắn liền với phát triển bền vững môi trường đô thị và nông thôn, đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững đất nước”.
Trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng thì việc đảm bảo thiết kế của công trình thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương, là điều quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, giảm tác động xấu đến môi trường.
Những khái niệm về công trình xanh được khởi nguồn từ các nguyên tắc thiết kế kiến trúc cơ bản: chọn hướng nhà sao cho tối ưu hóa hay hạn chế ánh nắng mặt trời, thông gió tự nhiên, sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Các chuyên gia cũng đã đưa ra rất nhiều những giải pháp xanh hiện nay đang phổ biến trên thế giới như: tận dụng lan chắn nắng, mái hai lớp để che nắng và thông gió, phân bố cửa sổ hợp lý, tăng diện tích thông tần, giếng trời, sử dụng vật liệu cách nhiệt tốt, thiết kế hướng nhà phù hợp, tận dụng vật liệu địa phương như tường tre, mái tre…
Ông Sebastian Wallenwien kiến trúc sư của tổ chức Fairventures Worldwide nhận định: “Một công trình được coi là “xanh” khi nó đạt được hiệu quả trong sử dụng năng lượng, vật liệu, được thiết kế có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua việc sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả”.
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã trao giải cho các nhóm, cá nhân có thiết kế xuất sắc trong cuộc thi thiết kế xanh E4G được tổ chức bởi dự án Cơ sở dữ liệu xanh châu Á E4G, Trường đại học Xây dựng, tập đoàn Elithis (Pháp). Trong đó, giải đặc biệt trị giá là 20 triệu đồng. Ngoài ra, toàn bộ thí sinh lọt vào chung khảo đều được cấp bằng chứng nhận từ Đại học Khoa học ứng dụng Stuttgart (Đức).
PV