Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Giải pháp hữu ích "giữ chân" người tham gia bảo hiểm xã hội sau đại dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với nhận thức của một bộ phận lao động còn hạn chế, khiến số lượng thanh toán bảo hiểm xã hội một lần tăng lên, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn quốc phải ngưng sản xuất hay sản xuất cầm chừng, cắt giảm nhân công hoặc tạm thời cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Ðiều này làm người lao động bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập, đời sống sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống nên người lao động đã đề nghị thanh toán trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đặc biệt, riêng trong ba tháng đầu năm 2021, số người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp bất khả kháng, không còn sức lao động, không đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội tiếp, nguyện vọng hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần của họ là hoàn toàn chính đáng, và các cơ quan chức năng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đó. Mặc dù vậy, nếu phân tích và suy xét thấu đáo, với số đông, việc tiếp tục tham gia bảo hiểm để nhận lương hưu, tính kế lâu dài vẫn có nhiều cái lợi hơn là “gặt lúa non”, giải quyết vấn đề tình thế trước mắt.

Thế nhưng, dù đã được cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện, thị xã giải thích, tư vấn nhiều lần về những thiệt thòi khi thanh toán bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội hưởng lương hưu, khi về già sẽ phụ thuộc vào con cháu và xã hội; nếu không may mắc bệnh sẽ không có thẻ bảo hiểm y tế, phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả nếu bệnh dài ngày… nhiều người lao động vẫn quyết định thanh toán bảo hiểm xã hội một lần để sử dụng vào mục đích khác hoặc trang trải chi tiêu cho gia đình.

Việc người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân. Họ chưa hiểu được rằng nhận bảo hiểm xã hội một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi khi hết tuổi lao động.

 Người lao động cần cân nhắc thật kỹ trước khi rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội

Ông Điều Bá Được - nguyên Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người đã nhiều lần nói về câu chuyện nhận bảo hiểm xã hội một lần đã khẳng định, đó là việc tước đi quyền hưởng lương hưu của mình. Cũng có người vì chưa hiểu nguyên tắc của quỹ bảo hiểm xã hội, sợ nộp tiền bảo hiểm thì thế này thế kia, nhưng hiện nay càng ngày có nhiều người hiểu và có nhu cầu tham gia, thậm chí tham gia nhiều loại bảo hiểm để tương lai an toàn hơn. Trong số đó, tôi cho bảo hiểm xã hội là trụ cột của an sinh xã hội.

Từ thực trạng gia tăng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần và nhận diện một số nguyên nhân cơ bản hiện nay, là đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội ở địa phương, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã đánh giá một cách chi tiết về quá trình thực hiện quy định bảo hiểm xã hội một lần cũng như những hạn chế bất cập đang còn tồn tại để có những giải pháp phù hợp với thực tiễn. Trong đó, việc tích cực thực hiện mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông; tư vấn, thông qua việc đưa ra ví dụ giả định, kèm theo bài toán đối chứng hết sức cụ thể để so sánh về quyền lợi giữa nhận bảo hiểm xã hội một lần với tích lũy để hưởng lương hưu tác động đến tâm lý người lao động, giúp họ thấy rõ hơn lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; người lao động sẽ có một nguồn thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống, được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hàng năm được tăng lương theo quy định và được hưởng nhiều khoản khác từ Nhà nước...

 Nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động “thiệt đơn, thiệt kép”

Trường hợp bà Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1954, hiện đang ở Thanh Xuân, Hà Nội. Từ năm 1975 đến năm 1994, bà làm việc tại cửa hàng bách hóa huyện, đã được giải quyết trợ cấp thôi việc theo Quyết định số 176/HĐBT. Năm nay gần 70 tuổi nhưng ngoài số tiền ít ỏi tích luỹ được từ việc buôn bán trong thời gian có sức khoẻ thì bà không có một nguồn thu nào có thể hi vọng.

Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ông Bùi Minh Nhật (số nhà 142, Mai Hắc Đế, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tiếp tục lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe khi về già.

Ông Nhật cho biết: “Trước đây tôi làm tự do, mãi gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đầu năm 2021, tôi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ được hơn 15 năm. Một số người khuyên tôi rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng tôi nghĩ lấy bảo hiểm xã hội một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc tôi không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, mà nó cũng đủ khó khăn rồi. Nên tôi đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm gần 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu”.

 Tháng 4/2001, chị Phạm Thị Mai, sinh năm 1982, ở xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá) được Công ty 78, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng đóng tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, tuyển dụng làm công nhân. Sau 18 năm 4 tháng (cuối tháng 7/2019), chị Mai đã viết đơn xin nghỉ việc và trở về quê sinh sống. Về quê không có việc làm, chi phí sinh hoạt của gia đình tăng chị đã nghĩ ngay đến việc thanh toán bảo hiểm xã hội giải quyết tình thế trước mắt. Chị Mai chia sẻ: “Do cuộc sống khó khăn, tôi đã thanh toán tiền, bảo hiểm xã hội để lo cho cuộc sống hiện tại, số còn lại đầu tư vào buôn bán”.

Cũng như chị Phạm Thị Mai, hàng trăm lao động trên địa bàn huyện Cẩm Thủy mất việc, đến cơ quan bảo hiểm xã hội huyện làm thủ tục để thanh toán bảo hiểm xã hội một lần. Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Thủy, tính đến hết tháng 9/2021, huyện Cẩm Thủy có 899 người thanh toán bảo hiểm xã hội một lần với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Thủy, cho biết: Việc thanh toán bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, khi người lao động đến làm thủ tục thanh toán, chúng tôi phải phối hợp với bộ phận chức năng tuyên truyền ý nghĩa của việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và vận động họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này có lương hưu. Mặc dù cán bộ đã nỗ lực vận động, tuyên truyền “ở lại” với hệ thống bảo hiểm xã hội, nhưng người lao động vẫn quyết thanh toán, khiến chúng tôi cảm thấy tiếc nuối thay”.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá), số lượng lao động nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng lên nhanh. Năm 2020 có 1.468 người thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, nhưng mới chỉ 9 tháng năm 2021 đã có 2.069 người thanh toán. Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Nghi Sơn, chia sẻ: Đơn vị luôn tư vấn cho người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội từ khi tiếp nhận hồ sơ, xử lý đến lúc ban hành quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhưng không phải lúc nào tư vấn cũng đạt được kết quả. Người lao động đưa ra nhiều lý do như: Còn phải chờ nhiều năm mới đến tuổi nghỉ hưu; cần tiền ngay để trang trải cuộc sống sau khi mất việc, nghỉ việc; ốm đau không có tiền chữa bệnh...

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá, tính đến 15/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 19.486 người thanh toán bảo hiểm xã hội một lần. Nhận định của Bảo hiểm xã hội tỉnh, từ nay đến cuối năm, số lượng người thanh toán bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng lên do ảnh hưởng Covid-19, nhiều lao động phải nghỉ việc, không có tích lũy, họ cần một nguồn tài chính để trang trải cuộc sống.

Bà Đỗ Thị Dung, Trưởng Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá) cho biết: Việc người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là thực trạng đáng quan tâm, bởi khi lựa chọn phương án thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế rất nhiều so với hưởng lương hưu. Người lao động sẽ không có thẻ bảo hiểm y tế và người thân không được hưởng tiền mai táng phí, tiền tử tuất khi người tham gia bảo hiểm xã hội tử vong. Sau này, người lao động tham gia lại bảo hiểm xã hội sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó.

Khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội được ví như “của để dành” của chính mình, nó không mất đi ngược lại vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy, khi người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ rất thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu dễ tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con cháu; nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế, họ còn phải đối diện với nguy cơ không chi trả được chi phí khám, chữa bệnh và thời gian nằm viện dài ngày.

 “Giữ chân” người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội

Đến Bảo hiểm xã hội thị xã Nghi Sơn làm thủ tục thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, sau 11 năm tham gia, anh Lê Văn Hòa, thôn 10, xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) dự kiến sử dụng số tiền hơn 86 triệu đồng vào việc kinh doanh tự do, sau khi nghỉ việc tại một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau nhiều lần nghe tư vấn, thay vì chấm dứt, anh đã bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Anh Hòa chia sẻ: Ban đầu, do thiếu hiểu biết nên tôi quyết định làm thủ tục để thanh toán bảo hiểm xã hội một lần. Sau khi được tư vấn, tôi đã suy nghĩ lại và bảo lưu kết quả đóng bảo hiểm xã hội để sau này tìm công việc mới tham gia đóng nối tiếp hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bà Đỗ Thị Dung, Trưởng Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội, cho rằng: Công tác tư vấn cho người lao động rất quan trọng, để họ thấy được lợi ích, vui vẻ tham gia bảo hiểm xã hội ự nguyện để không bị gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động sẽ tham gia và quyết định ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội khi thấy rõ quyền lợi của mình sau này. Bên cạnh việc điều chỉnh các quy định hiện hành, việc hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được đánh giá cần thiết để giữ người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội, thực hiện an sinh xã hội.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều thay đổi, như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, hay siết chặt các quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Nghi Sơn, chia sẻ quan điểm: Trường hợp nếu người lao động có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì vẫn giải quyết theo các mức đã đóng góp, nhưng nên chỉ cho rút phần người lao động đóng và còn số tiền bảo hiểm xã hội doanh nghiệp đóng nên giữ lại để người lao động hưởng hưu trí. Bởi hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có dự thảo đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm...

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hùng Cường, bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Thủy, chia sẻ: Việc thắt chặt các quy định, điều kiện thanh toán bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội  một lần là nhằm bảo đảm cho người tham gia bảo hiểm xã hội có lương hưu sau khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, khi thực hiện cần phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng, thậm chí sẽ vừa làm vừa điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và có những giải pháp.

“Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang nỗ lực giải quyết hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức nộp hồ sơ; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, làm thêm giờ để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đến người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Qua đó, sẽ hạn chế được một phần người lao động thanh toán bảo hiểm xã hội một lần. Về lâu dài, để giữ người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã và đang chỉ đạo bảo hiểm xã hội huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người lao động về ý nghĩa của việc ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội. Để thực hiện được điều này không thể mình ngành bảo hiểm xã hội “đơn phương, độc mã” mà cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bà Đỗ Thị Dung, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết thêm.

Bên cạnh việc không được nhận lương hưu, người lao động còn không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Ngược lại, khi đã nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, nếu tham gia lại bảo hiểm xã hội, người đó sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó.

Cộng tất cả lợi ích nếu cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, việc nhận lương hưu sẽ giúp người lao động đạt được giá trị hơn nhận bảo hiểm xã hội 1 lần hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều chính sách cũng khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài, như: Nhà nước đã có 17 lần tăng lương hưu kể từ năm 2003 đến nay; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang kiến nghị nới điều kiện để hưởng lưu hưu, cụ thể, chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 10-15 năm là có thể được nhận lương hưu.

Có thể nói, về bản chất, bảo hiểm xã hội là kế lâu dài, chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già, giảm gánh nặng chi phí bệnh tật, giảm chi phí lo toan, thăm nuôi từ người thân, xã hội.

 Việt Anh

Bài liên quan

Tin mới

Giá lúa gạo Việt Nam "hạ nhiệt" trong giai đoạn vừa qua là hợp lý
Giá lúa gạo Việt Nam "hạ nhiệt" trong giai đoạn vừa qua là hợp lý

Ngày 26/4, tại Cần Thơ, sẽ diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Vấn đề giá lúa gạo giảm thời gian qua cũng được đưa ra thảo luận.

Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”
Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024) và phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa có đề nghị các sở du lịch, sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Tàu kéo sà lan chìm trên biển Lý Sơn, 3 người tử vong
Tàu kéo sà lan chìm trên biển Lý Sơn, 3 người tử vong

Thông tin từ Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Ngãi, trên vùng biển gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra vụ chìm tàu khiến 5 người rơi xuống biển. Hiện đã tìm được 3 thi thể.

Dự báo thời tiết 25/4: Miền Bắc bắt đầu tăng nhiệt mạnh
Dự báo thời tiết 25/4: Miền Bắc bắt đầu tăng nhiệt mạnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 2 ngày tới (25-26/4), khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất từ 40-45%.

Bao giờ cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA được thực hiện?
Bao giờ cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA được thực hiện?

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này.