Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ đầu năm 2020 đến nay, nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó ngành công nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều về nguồn cung do phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt các mặt hàng như điện tử, dệt may, da giày, túi xách, lắp ráp ô tô, xe máy… Mặc dù sau quý I/2020, nguồn cung đã cơ bản phục hồi tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, vấn đề tiêu thụ sản phẩm mới là vướng mắc lớn Hiện nay, vấn đề tiêu thụ sản phẩm mới là vướng mắc lớn với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp hỗ trợ để tăng cường tính tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, hạn chế tác động của đứt gãy nguồn cung. Hiện Bộ vẫn đang hoàn thiện và trình Chính phủ nhiều chính sách giúp thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
“Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 68 của Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 (theo hướng kéo dài thời gian đến năm 2030); Chiến lược xây dựng ngành dệt may và da giày. Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ 2 văn bản này trong năm nay”, ông Thành cho hay.
Cũng theo ông Thành, ngoài các chiến lược và chương trình phát triển, hiện Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp; dự kiến Nghị quyết này sẽ được ban hành trong năm 2020.
Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, dự kiến ban hành trong năm 2020. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết 124 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Nhằm tìm kiếm thị trường, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với hệ thống thương vụ để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Chính phủ một số chính sách về thuế phí như giảm 50% thuế trước bạ, lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt,… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn”, ông Thành nêu ra các giải pháp trước mắt.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những tháng cuối năm, Bộ sẽ thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp; trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ. “Ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Hải Minh