Châu Âu đang bị “vùi dập” bởi giá năng lượng tăng vọt kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Để đáp lại, bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất cải cách thị trường điện Liên minh Châu Âu - EU và công bố kế hoạch áp dụng đánh thuế lợi tức phụ thu (windfall tax - loại thuế đánh trên mức lợi nhuận lớn) đối với các công ty năng lượng.
Lợi nhuận của các nhà máy điện gió, điện mặt trời và điện hạt nhân đã tăng vọt khi giá điện tăng theo giá khí đốt tự nhiên bán buôn. Đến nay, giá khí đốt bán buôn tại Châu Âu đã tăng khoảng 550% so với năm ngoái.
Các Bộ trưởng năng lượng của Châu Âu bắt đầu họp vào ngày 30/09 để thảo luận về các chi tiết trong đề xuất áp giá trần năng lượng. Cùng lúc, Châu Âu đang triển khai điều tra các hành vi phá hoại có thể xảy ra đối với các đường ống dẫn khí Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) của Nga, một trong số đó là đường ống dẫn khí đốt chính của Nga đến Châu Âu cho đến gần đây.
Dù chưa rõ nguyên nhân, nhưng trong giới quan sát một số người đã bình luận vụ việc liên quan đến đường ống Nord Stream như một lời nhắc nhở Châu Âu rằng, Điện Kremlin đang ở thế chủ động, họ có thể tiến hành cuộc chiến năng lượng ở khu vực này bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, biện pháp áp giá trần chưa có tiền lệ này, dự kiến bắt đầu được thực thi từ ngày 05/12, sẽ làm giảm mức giá bán năng lượng của Nga, đồng thời không làm giảm lượng xăng dầu mà nước này xuất khẩu ra thế giới....
Bài toán đặt ra là cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các thành viên EU. Bởi cho đến nay, ý kiến của các quốc gia thành viên được cho là vẫn còn khá phân tán. Trong đó, có cả các nước công khai lập trường không ủng hộ. "Về năng lượng, đối với chúng tôi, đây rõ ràng là 'lằn ranh đỏ'. Chúng tôi không muốn bắt buộc người dân Hungary phải trả giá vì xung đột mà họ không liên quan, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết.
Ngoại trưởng Hungary thẳng thắn tuyên bố sẽ không đồng ý điều gì đó đi ngược với lợi ích quốc gia và khẳng định các biện pháp trừng phạt chống Nga đang đi ngược lại lợi ích của toàn Châu Âu, khi nền kinh tế khu vực này đang tiến tới suy thoái.
Trên thực tế, cho đến nay, các chính phủ ở Châu Âu đã thay đổi rất nhiều trong cách ứng phó với giá năng lượng cao. Một số đã bảo vệ người tiêu dùng bằng cách áp đặt trần giá bán lẻ, trợ cấp nhiên liệu hoặc cắt giảm thuế tiêu thụ đối với hóa đơn năng lượng.
Một số thành viên khác đã cho phép các công ty năng lượng chuyển giá bán buôn cao hơn cho khách hàng, họ tập trung trực tiếp vào việc giúp đỡ những người được trả lương thấp. Các chính sách hỗ trợ chung chung không có mục tiêu có thể phù hợp về mặt xã hội hoặc chính trị nhưng có nguy cơ làm vô hiệu các lời kêu gọi khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Đúng như dự đoán, các số liệu được tổng hợp trong tháng này, ở các nước Châu Âu khác nhau, đều cho thấy mối tương quan giữa mức độ tăng giá khí đốt hộ gia đình và mức độ giảm nhu cầu về khí đốt.
Chẳng hạn, Pháp đã đóng băng giá khí đốt trong năm nay và giới hạn tăng giá điện ở mức 4% đối với các hộ gia đình. Trong ngân sách được công bố vào ngày 26/09, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire xác nhận, “lá chắn giá” này sẽ tiếp tục được chính phủ duy trì đến năm 2023, mặc dù giá khí đốt và điện sau đó sẽ được phép tăng tới 15%.
“Những biện pháp này có chi phí lớn, nhưng chúng đã bảo vệ các hộ gia đình Pháp khỏi sự gia tăng giá năng lượng khủng khiếp như ở các nước khác, như Vương quốc Anh”, Bộ trưởng Bruno tin tưởng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Pháp đã không hề giảm sử dụng khí đốt trong nửa đầu năm nay, một phần có thể là do việc đóng băng giá đã khiến họ không có nhiều động lực để làm như vậy.
Nhưng ở Đan Mạch, nơi giá khí đốt tăng chóng mặt, chính phủ chỉ tập trung nỗ lực để giúp đỡ những gia đình nghèo nhất. Hơn 400.000 hộ gia đình đã được hưởng chính sách này, được hỗ trợ thanh toán các hóa đơn năng lượng cao vút. Và thực tế, việc sử dụng khí đốt của các hộ gia đình Đan Mạch đã giảm hơn ba lần so với ở Pháp.
Tất nhiên, mỗi chính phủ đều có những cân nhắc khác nhau cần tính đến. Các ưu đãi về giá cho các "hành vi xanh" thường không phổ biến và cũng không dễ dàng về mặt chính trị.
Ở Pháp, những ký ức về phong trào “Áo Vàng” năm 2018-19 liên quan việc tăng thuế vẫn còn nguyên vẹn.
Tất nhiên, một số "hành vi xanh" có thể được kêu gọi sự ủng hộ và khuyến khích bằng các chiến dịch thông tin công cộng và sự lãnh đạo khéo léo của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, nếu các nền kinh tế đã chuẩn bị cho một tương lai carbon thấp hơn, đồng thời sẵn sàng bảo vệ các hộ gia đình nghèo, thì song song với đó, tại một thời điểm nào đó, họ phải để giá năng lượng tăng thì mới hạn chế được việc sử dụng năng lượng quá mức.
Theo Báo Quốc tế