THCL Mặc dù, giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng giảm nhẹ 0,2%, trong khi giá cơ sở dầu diesel tăng 0,8%, dầu hỏa tăng 1,4% và dầu mazut tăng 3%. Song liên bộ Công thương và Tài chính vẫn quyết định giữ nguyên mức giá bán lẻ trên thị trường.
Giá xăng dầu vẫn đứng im
Theo mức giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu công bố ngày 13/4 thì giá bán lẻ xăng RON 92, không cao hơn mức giá 17.286 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 16.956 đồng/lít; dầu diesel 0,05S không cao hơn 15.883 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.073 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3,5S không cao hơn mức giá 12.653 đồng/kg.
Đáng nói, giá xăng dầu bán lẻ được giữ nguyên giữa bối cảnh giá cơ sở kỳ công bố đối với xăng RON 92 đã giảm 29 đồng/lít (tương ứng giảm 0,2%); xăng E5 giảm 29 đồng/lít (tương ứng giảm 0,2%); dầu diesel 0,05S tăng 129 đồng/lít (tương ứng tăng 0,8%), dầu hỏa tăng 217 đồng/lít (tương ứng tăng 1,4%) và dầu mazut 180CST 3,5S tăng 383 đồng/lít (tương ứng tăng 3%).
Lý giải cho việc không giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, đại diện liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết, việc điều hành giá xăng dầu lần này dựa trên cơ sở diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây, gắn với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các mục tiêu kinh tế - xã hội Chính phủ đề ra năm 2015. Vì vậy, do giá cơ sở giảm không đáng kể nên cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên mức giá bán lẻ xăng dầu tối đa cho phép đối với DN, song yêu cầu giảm mức sử dụng Quỹ Bình ổn và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng các loại là 991 đồng/lít; dầu diesel các loại là 134 đồng/lít, dầu hỏa là 217 đồng/lít và dầu mazut các loại là 383 đồng/kg.
Động thái trên của cơ quan quản lý càng làm tăng lo ngại về khả năng giá xăng dầu trong thời gian tới - sẽ tăng theo định kỳ bởi do áp thuế bảo vệ môi trường, mặc dù trước đó Bộ Công thương đã khẳng định, việc áp thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu.
Xăng dầu giảm là chính đáng
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tính từ ngày 26/3 (kỳ điều hành trước) đến nay, giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, giá cao nhất cũng chưa chạm ngưỡng 58 USD/thùng. Thế nhưng, giá xăng dầu trong nước vẫn không có chuyển biến, DN kinh doanh xăng dầu vẫn đang hưởng lợi lớn từ việc giá xăng dầu cơ sở giảm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý chưa giảm giá xăng dầu là do không muốn giảm nguồn thu. Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu và giảm quá mạnh mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với các chủng loại xăng dầu, đã khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi…
Chuyên gia Phạm Tất Thắng lên tiếng: “Tôi cho rằng, giá xăng nên giảm 400 đồng/lít và giảm chi Quỹ Bình ổn chỉ 432 đồng/lít thay vì giảm chi quỹ tới 832 đồng/lít và giữ giá xăng. Thực tế thị trường xăng dầu thời gian qua đang cho thấy, các bộ, ngành chưa quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng mà chỉ quan tâm đến lợi ích của DN.
Người tiêu dùng kỳ vọng, giá xăng dầu lần này sẽ giảm là hoàn toàn chính đáng, bởi nếu tính từ chu kỳ trước (từ ngày 11/3, giá xăng dầu thế giới đã giảm thêm tới gần 8% và chu kỳ này (tính từ 26/3), giá xăng dầu vẫn ở mức thấp, có ngày giảm sâu gần 7%.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, từ 1/5 tới, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng mạnh (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít). Các DN xăng dầu luôn kêu khó, nếu giảm giá xăng dầu lần này đi kèm với tăng thuế tới đây thì cơ quan điều hành sẽ “khó đỡ” giá xăng dầu thời gian tới trước sức ép của DN xăng dầu.
Thực tế, người tiêu dùng xăng dầu hiện nay, không chỉ có cá nhân mà là rất nhiều DN, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, nếu giảm giá xăng dầu thì tác động tích cực tới nền kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, các bộ đang “giữ lợi ích của mình” nên không giảm giá xăng dầu mà giảm mức chi Quỹ Bình ổn quá mạnh. Rõ ràng, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian gần đây vẫn chưa có sự hài hòa lợi ích Nhà nước, DN và người dân.
Bình Hoa