Cụ thể, việc Ai Cập quy định sản phẩm có hạn sử dụng quá ngắn, chỉ có 6 tháng. Trong khi đó, sản xuất đã mất 1 tháng, vận chuyển bằng tàu biển mất 1 tháng, và mất thêm thời gian để phân phối, đến người tiêu dùng thì gần hết hạn. Vì vậy, nhiều khách hàng Ai Cập chỉ dám đặt mua khối lượng thấp.
(Ảnh minh họa)
Cùng với đó, thị trường quy định kiểm tra mỗi lô hàng nhiều chỉ tiêu sau khi đã qua chứng nhận của Nafiqad: chất phóng xạ, độc tố, vi sinh, kim loại nặng …làm tăng chi phí và giảm khả năng cạnh tranh vì giá cao.
Việc ký kết hợp đồng không chắc chắn do không thận trọng trong các điều khoản và quy định dẫn đến xảy ra tranh chấp thương mại. Cũng như thanh toán hàng hóa khó khăn, giá trị mỗi lô hàng thường không được thanh toán một lần mà chia làm nhiều lần.
Về vấn đề này, ông Trần Cường – Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập thông tin, đối với nhóm hàng thủy hải sản nhập khẩu, Ai Cập chỉ cho phép sản phẩm thủy sản có hạn sử dụng là 6 tháng. Các mặt hàng đông lạnh nhập khẩu sẽ được tiến hành kiểm tra chặt chẽ với nhiều tiêu chí như chất phóng xạ, độc tố, vi sinh, kim loại nặng. Trong gian đoạn hiện nay, do không thuộc mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, Chính phủ Ai Cập quy định các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản Ai Cập không nhận được ưu tiên mua ngoại tệ để thanh toán tiền hàng nhập khẩu và chịu giới hạn trần tiền gửi ngoại tệ hàng tháng. Nếu các doanh nghiệp thanh toán L/C phải ký quỹ 100%.
Từ đó, VASEP cũng đưa ra một số đề xuất trong việc giao thương giữa hai nước về nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin về nhu cầu và quy định thị trường Ai Cập. Song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Ai Cập, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc họp, giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Các cơ quan quản lý hai nước tăng cường phối hợp và thống nhất các quy định và tiêu chí kiểm tra sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập. Có những khuyến cáo và hướng dẫn doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng và giao dịch, tranh tranh chấp và giải pháp giải quyết vướng mắc trong khâu thanh toán của bạn hàng Ai Cập.
Còn theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu luôn ổn định, để tránh gặp khó khăn khi cơ quan chức năng của Ai Cập kiểm tra an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác Ai Cập, các doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn các phương thức giao hàng, phương thức thanh toán mà lợi thế không quá nghiêng về phía người mua, tránh hiện tượng phía nhập khẩu không nhận hàng để ép giảm giá.
VASEP kỳ vọng thời gian tới, xuất khẩu cá tra nói riêng và sản phẩm thủy sản nói chung sang thị trường này sẽ có nhiều thuận lợi hơn và có mức tăng trưởng khả quan hơn. Đây vẫn được coi là một trong ba thị trường tiềm năng lớn của doanh nghiệp cá tra Việt Nam tại khu vực Trung Đông này.
Hằng Vương (t/h)