Thông tin từ Bộ Công thương, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 - 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg. Thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR13.

Tính đến hết tháng 6/2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đạt 196,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng xuất khẩu cá tra và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Việc giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là nhờ giá bán sản phẩm cá tra tăng cao trong bối cảnh thiết hụt nguồn cung nguyên liệu. Cũng nhờ giá trị tăng cao, cá tra hiện là ngành hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam 8 tháng đầu năm nay.

Các doanh nghiệp cho biết, mức thuế sơ bộ có giảm so với đợt trước nhưng con số 2,39 USD/kg vẫn còn gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Việc Mỹ giảm thuế có thể vì phía Việt Nam đã có nhiều động thái mạnh với mức thuế POR13 và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang xem xét hồ sơ của Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cũng có thể là yếu tố quan trọng vì Mỹ hiện nhập một lượng lớn cá thịt trắng từ Trung Quốc. 

Trước đó, trong kết luận cuối cùng của POR13, Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO) là bị đơn duy nhất bắt buộc có mức thuế 3,87 USD/kg, các doanh nghiệp còn lại cũng bị áp dụng mức thuế này. Đây là mức thuế suất cao nhất kể từ trước tới nay và tăng 5,6 lần so với kết quả POR12 trước đó.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đã phải tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Từ đó, yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các thông tin tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này.

Với mức thuế cao vô lý trong POR13 khiến các doanh nghiệp có rất ít cơ hội xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ, vì không thể đáp ứng số tiền ký quỹ quá cao theo mức thuế này. Trong thời gian qua, chỉ có rất ít doanh nghiệp, chủ yếu là Vĩnh Hoàn và Biển Đông mới có thể trụ lại ở thị trường này.

Tuy đã mất ngôi vị số 1 nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng của cá tra Việt Nam. Do vậy, dù kết quả của POR14 đối với cá tra Việt Nam mới là kết quả sơ bộ, dự kiến tháng 1/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới ban hành kết luận cuối cùng, song đây được xem là tín hiệu tích cực với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng của thuế bán chống phá giá cao, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam xuất sang thị trường này còn chịu sự giám sát của Chương trình thanh tra cá da trơn áp dụng từ tháng 8/2017.

Cũng theo VASEP, ngày 10/9/2018, DOC thông báo kết quả cuối cùng thuế CBPG cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ 1/2/2016 – 31/1/2017 là 4,58%. Mức thuế 4,58% đã thấp hơn rất nhiều so với mức thuế sơ bộ 25,39% mà DOC thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.

Hoan Nguyễn