Điểm nhấn là kết quả đấu tranh chống vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các mặt hàng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm... trong thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp góp phần duy trì tốt trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Xử lý 1.777 vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh

10 tháng năm 2021, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều vụ việc đã được các lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý kịp thời, nhất là kết quả đấu tranh chống vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các mặt hàng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm...Trong thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, góp phần duy trì tốt trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Trong năm trên địa bàn tỉnh không phát hiện vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Công tác kiểm soát xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được tăng cường kiểm tra, giám sát. Việc tiếp nhận thông tin tố giác, phản ánh được thực hiện thông suốt, liên tục 24h/7 ngày.

Các lực lượng cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong năm 2021, tổng số vi phạm và xử lý vi phạm trên địa bàn tỉnh là 1.777 vụ, bằng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số vụ xử lý hành chính là 1.746 vụ, khởi tố 31 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 5,2 tỷ đồng.

Lực lượng QLTT Hà Nam tịch thu khẩu trang không rõ nguồn gốc
Lực lượng QLTT Hà Nam tịch thu khẩu trang không rõ nguồn gốc.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và kết quả đạt được của các sở, ngành thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, công tác đấu tranh phải thường xuyên, liên tục, quyết liệt hơn.

Đề nghị các sở, ngành thành viên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; làm tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, trao đổi nghiệp vụ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường quản lý về giá, bảo đảm cân đối cung - cầu, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống pháo nổ, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tết Nguyên đán Nhâm Dần  2022

Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam cũng ban hành Công văn số 1224/STTTT-TTBCXB về việc tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Đài Truyền thanh cấp huyện: Tăng thời lượng phát sóng, đưa tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách, quy định về sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thị trường, nguồn cung, giá thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau tết Nguyên đán; kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh, không để thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn thị trường.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, tuyên truyền sâu rộng các chương trình bình ổn thị trường, chương trình xúc tiến thương mại trong nước và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; cung cấp thông tin chính thống để tạo đồng thuận xã hội; phản ánh kịp thời không khí vui xuân, đón Tết của nhân dân; tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2022.

Tăng cường thông tin tuyên truyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để người dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, tham gia tố giác tội phạm, chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.

Kịp thời thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng các cụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị bắt giữ, xử lý; cung cấp thông tin giúp người dân nhận biết, không tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng chất lượng kém, hàng hóa không rõ nguồn gốc; đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau tết Nguyên đán như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, ma túy, pháo nổ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, hàng giả, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Công bố đường dây nóng 0981.389.389 và 0961.389.389 để khuyến khích người dân tố giác hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt tròng dịp tết Nguyên đán.

Tuyên truyền, phổ biến, vận động để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không sản xuất, nhập khẩu, đưa vào lưu thông trên thị trường, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; tuyên truyền, phổ biến để người dân không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thông tin, phổ biến kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo Đài Truyền thanh cấp xã tiếp âm đầy đủ chương trình tuyên truyền về các nội dung trên của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh cấp huyện.

Hưng Phúc 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)