THCL - Hơn 10 chú trâu to khỏe được trang trí nhiều hình ảnh, mùa xuân, Tết Bính Thân được người dân Đọi Sơn mang ra đồng. “Vua" Lê Đại Hành khoan thai dắt trâu mộng và những đường cày thẳng tắp tại xá ruộng trong tiếng reo vui, hồ hởi của dân làng, du khách...
Đó là quang cảnh Lễ hội Tịch Điền độc đáo - có từ hàng ngàn năm, diễn ra tại huyện Duy Tiên (Hà Nam) vào ngày mùng 7 tháng Giêng.
Lối vào nơi cúng tế
Sau một thời gian bị mai một, lễ hội Tịch điền (xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) được khôi phục lại vào ngày mùng 7 tháng Giêng năm 2009. Tìm người phù hợp để đóng vai Vua làm lễ xuống ruộng đi cày 3 sá không phải là việc đơn giản. Đó không chỉ là người cao tuổi trong làng mà còn phải là người có uy tín, đức độ, được mọi người kính trọng. Phải chọn được người có nét uy nghi, khoan thai, có phong thái của một ông Vua.
Trước ngày khai hội là hội thi trang trí trâu cũng được tổ chức để chọn những con trâu đẹp nhất cày tịch điền. Đặc biệt, lễ cày tịch điền được tiến hành trọng thể với nghi thức cổ truyền là nghi lễ nhập thế vua Lê.
“Vua Lê” đức độ khoác áo long bào, đeo mặt nạ thực hiện nghi lễ hóa thân thành hình tượng vua Đại Hành xuống mở những sá cày lễ đầu tiên trên thửa ruộng phù sa màu mỡ. Tiếp đó, các vị lãnh đạo và đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện nghi lễ cày tịch điền, theo chức vụ, quan chức lần lượt cày 3 sá, 5 sá, 7 sá và đại diện dân làng cày 9 sá.
Các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng từ mồng 5-7 Tết Âm lịch với nhiều hoạt động như rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) về xã Đọi Sơn (Duy Tiên), lễ rước nước, lễ sái tịnh…
Đây cũng là dịp để dân làng, du khách thập phương tưởng nhớ về cội nguồn và giáo dục các thế hệ con cháu truyền thống yêu lao động từ vị vua anh minh đến người dân đều cần cù, sáng tạo trong sản xuất, góp phần xây dựng quê hương.
Tiếp tục là những hoạt động vui chơi giải trí cổ xưa được ban tổ chức Tịch điền đưa ra nhằm đưa các du khách có thể hiểu hơn về những trò chơi đó.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách Kim Bảng cho biết: “Lễ hội Tịch Điền này rất ý nghĩa với tỉnh Hà Nam. Và cũng góp phần tôn vinh vẻ đẹp của quê hương xứ nhà. Lễ hội còn dưa ra những trò chơi giúp cho những trẻ nhỏ có thể hiểu thêm những phong tục đã bị thất truyền từ ngày xưa”.
Cuộc thi vẽ trâu Ảnh minh họa
Cuộc thi đấu vật
Cuộc thi đi trên cầu khỉ
Cuộc thi bịt mắt gõ trống
Nam Phong