Đến nay đã có 1.778/1.778 (đạt tỷ lệ 100%) xe buýt của thành phố Hà Nội lắp đặt camera theo quy định, giúp đơn vị kinh doanh vận tải cũng như cơ quan quản lý nhà nước quan sát được hành vi của lái xe và hành khách trên xe.

100% xe buýt của Hà Nội lắp đặt camera giám sát
100% xe buýt của Hà Nội lắp đặt camera giám sát. (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HAPTA, các quy định và văn bản hướng dẫn hiện chưa có quy chuẩn cụ thể cho camera giám sát ô tô dẫn tới không ít doanh nghiệp vận tải lúng túng trong việc lựa chọn chủng loại phù hợp với quy định của pháp luật.

Cùng với đó, theo tính toán, chi phí lắp đặt hiện khoảng 7 triệu đồng/camera, mỗi xe phải đầu tư 14 triệu đồng để lắp đặt. Xe càng lớn thì số camera phải lắp càng nhiều. Trung bình mỗi doanh nghiệp phải đầu tư 2-3 tỷ đồng chi phí lắp đặt camera. Ngoài ra, phí duy trì khoảng 500.000 đồng/camera/tháng. Toàn bộ chi phí này đều do doanh nghiệp tự chi trả, trong khi với các tuyến buýt trợ giá phục vụ nhu cầu dân sinh thì khoản chi phí đầu tư này lại chưa được đưa vào đơn giá.

Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, HAPTA kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, ban hành các quy chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật, thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện lắp đặt camera…

Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, từ ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu giữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép.

Hà Trần