Dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Ất Mùi năm 2015 tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Hiện, Sở Công Thương thành phố đang phối hợp với các ngành, doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa, bảo đảm đủ cung ứng phục vụ người dân.

Tết Nguyên đán là cơ hội để các DN kích cầu tiêu dùng Ảnh: Phạm Hoa

- Sở Công Thương Hà Nội nhận định, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm sẽ tăng lên mạnh trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Dự báo, giá các mặt hàng thiết yếu có thể tăng nhẹ ở một số nhóm hàng. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, thời gian trước Tết, giá cả tăng nhẹ, tập trung vào các mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp, mức tăng khoảng 1- 3%; mặt hàng thịt lợn, trong tháng Tết nhu cầu có thể lên 14.000 tấn, giá bán tăng nhẹ từ 5 - 8%. Các mặt hàng như thịt bò, dự báo tăng từ 8 - 10%, thịt gà tăng khoảng 10 - 15%, thủy - hải sản (do nhu cầu chế biến gia tăng và sản lượng thu hoạch phụ thuộc nhiều vào thời tiết), giá sẽ tăng từ 10 - 15%...

Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường trong dịp giáp Tết Nguyên đán,.

Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) - cho biết, để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá sẽ tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu, gồm: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy - hải sản đông lạnh, dầu ăn, rau củ, với tổng trị giá tiền hàng khoảng 276,75 tỷ đồng; chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền thành phố tạm ứng vốn; triển khai bán hàng tại các điểm bình ổn giá.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ và sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Cụ thể, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường khoảng 145 triệu lít thương hiệu “Bia Hà Nội”, “Trúc Bạch” và khoảng 3 triệu lít rượu các loại; Công ty Cổ phần vang Thăng Long khoảng 2,4 triệu lít rượu các loại; Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà cung ứng khoảng 8.500 tấn kẹo các loại; Công ty Cổ phần Hữu Nghị sản xuất khoảng 13.000 tấn bánh mứt kẹo…

Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn như siêu thị Metro, Big C, Co.op mart, Fivimarrt, Hapro, Ocean mart… dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng khảng 10 - 15% so với các tháng trong năm, với tổng số tiền hàng khoảng trên 2.300 tỷ đồng… Ngoài ra, sẽ tổ chức 7 trung tâm thương mại bán hàng tại các quận, huyện và tổ chức các hội chợ Xuân…

Để bảo đảm nguồn cung, giá cả bình ổn trong dịp cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, sẽ theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại và khuyến mại. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phát hiện các hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hóa nhằm trục lợi bất hợp pháp, đặc biệt, chú trọng kiểm tra tại các điểm đăng ký bán hàng bình ổn giá…

Theo Báo Công Thương