Trước Tết Nguyên đán 2019, TP. Hà Nội đã ra chỉ thị bình ổn giá về việc đảm bảo nguồn cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2019 và không để xảy ra tình trạng găm hàng sốt giá, các sở ban ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên.
Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, tính từ ngày 15/12/2018 đến 19/2/2019 các mặt hàng dự trữ gồm: gạo 190.600 tấn; thịt lợn 44.000 tấn; thịt gà 14.600 tấn; thịt bò 12.306 tấn; trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ 254.400 tấn; thực phẩm chế biến 12.000 tấn; thủy hải sản 11.200 tấn; nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Hà Nội đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2019 - Hình 1

Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10 – 15% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết Mậu Tuất năm 2018).

UBND thành phố cũng đã tổ chức vận động 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để dự trữ hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ Tết với tổng số tiền là 842,8 tỷ đồng, đồng thời tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng phục vụ nhân dân trên địa bàn dịp Tết.

Hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng. Cụ thể, trong tháng 1/2019, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi Qmart, Vinmart, Coopfood đã phát triển 11 điểm bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân Xuân Kỷ Hợi sắp tới.

Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước để cung cấp các các sản phẩm phục vụ Tết, sẵn sàng cung ứng ngay cho Thủ đô khi cần. Đến nay đã có 9 tỉnh, thành phố phối hợp cung cấp thông tin về sản phẩm, sản lượng của 399 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên đia bàn các tỉnh...

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã tổ chức 10 phiên chợ Việt tại các huyện bao gồm: Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thường Tín, Đan Phượng.

Tổ chức trên 400 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, người lao động 18 huyện khu vực ngoại thành; 1 Hội chợ Tết của thành phố tại Công viên thống nhất; 14 Hội chợ Xuân; Hội chợ Tết của các đơn vị tổ chức sự kiện; 64 chợ hoa Xuân trên địa bàn thành phố, 768 điểm bán hàng trái cây an toàn...

Bên cạnh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, Sở Công thương Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính Hà Nội và các ban ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Công thương sẽ mở thêm kênh để tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Cùng với việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được thành phố Hà Nội đẩy mạnh trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Trang Nguyễn t/h