Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, năm 2019, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi đông nhân dân, người lao động sinh sống, học tập và làm việc liên tục trong năm, tập trung vào những ngày lễ, tết. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện vận động các đơn vị chủ động tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng tới các đại lý phục vụ nhân dân các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, thực hiện bán hàng tại các khu công nghiệp và đưa hàng vào bếp ăn các khu, cụm công nghiệp phục vụ người lao động.
Về tổ chức phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố sẽ có từ 8-10 phiên chợ. Hình thức tổ chức được thực hiện như sau: Dựng nhà tiền chế từ 20 đến 40 gian hàng tiêu chuẩn. Mỗi huyện tổ chức 1 phiên chợ Việt, tập trung thực hiện tại các xã miền núi, xã vùng xa trung tâm các huyện, nơi có hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và khu vực các khu công nghiệp có khu nhà ở tập trung, đông người lao động sinh sống, làm việc. Thời gian tổ chức trong quý II và quý IV, mỗi phiên chợ Việt tổ chức từ 3 đến 5 ngày.
Các quận, huyện, thị xã chủ động tiếp tục rà soát quỹ đất, địa điểm cho thuê, dưới chân các tòa nhà, nơi tập trung đông dân cư, người lao động giới thiệu từ 2 đến 5 địa điểm cung cấp cho Sở Công Thương để giới thiệu doanh nghiệp liên hệ rà soát, tổ chức thực hiện. Các doanh nghiệp, đơn vị chủ động khảo sát địa điểm các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp chủ động triển khai thực hiện, phát triển điểm bán cố định.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, tạo dựng uy tín, quảng bá thương hiệu và hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh...
Lê Đại