Ảnh minh họa
Theo đó, Công văn số 635/BHXH-KTTN, do ông Vũ Đức Thuật - Phó giám đốc BHXH Hà Nội vừa gửi Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trong tháng 6 nêu rõ: Đến hết tháng 5/2018, 99 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, từ 2 tháng trở lên với số tiền gần 45,5 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH của hơn 11.000 lao động.
Đây là các doanh nghiệp có trụ sở tại 9 khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, cơ quan BHXH Hà Nội đã điểm tên của nhiều doanh nghiệp nợ BHXH có số nợ lớn, như Công ty CTCP Lilama Hà Nội nợ hơn 8,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nợ hơn 6,5 tỷ đồng, Công ty Thi Công cơ giới 1 nợ hơn 6 tỷ đồng, Công ty CT TNHH BLD Vina nợ hơn 2 tỷ đồng, Công ty CT TNHH Chun Fun nợ hơn 1,7 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Bia rượu Eresson nợ hơn 1,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Inkel Việt Nam nợ hơn 1,2 tỷ đồng…
Nhằm phối hợp quản lý, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các quy định trong lĩnh vực lao động, BHXH và việc làm, cơ quan BHXHHà Nội yêu cầu Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề nghị người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc việc trích nộp BHXH hàng tháng, đối với các doanh nghiệp nợ BHXH phải nộp ngay số tiền còn nợ trước ngày 30/6/2018.
Đồng thời, BHXH Hà Nội cũng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và không tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp nợ BHXH nêu trên.
Thanh Bình