BHXH Việt Nam: Hướng tới BHYT toàn dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia - Hình 1

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, năm 2017, công tác thực hiện chính sách BHYT đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong đó, nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đến năm 2020, tiến tới BHYT toàn dân, đáp ứng được yêu cầu KCB, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tuy nhiên, công tác thực hiện chính sách BHYT nói chung, công tác KCB BHYT nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện công tác BHYT ở địa phương còn nhiều bất cập, tồn tại, chi phí KCB BHYT tăng cao.

Đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHYT năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó trưởng ban Phụ trách, Ban Chính sách Y tế Lê Văn Phúc cho biết, trongnăm 2017, sự phối hợp giữa cơ quan tổ chức thực hiện và cơ quan xây dựng chính sách đã được nâng lên một bước. BHXH đã khẳng định được vai trò trong phối hợp xây dựng chính sách, đặc biệt là sửa đổi Nghị định 105, Thông tư số 37 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

BHXH Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ phía Bộ Tài chính, khi đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển bền vững quỹ BHYT, quản lý chi KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả. Về phía các địa phương, các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về chính sách BHYT, thường xuyên quan tâm chỉ đạo để nâng cao độ bao phủ BHYT và ổn định quỹ trên địa bàn.

Thể hiện rõ nhất là, rất nhiều tỉnh thành đã ban hành Quyết định giao kinh phí KCB BHYT năm 2018 cho các cơ sở KCB theo Quyết định số 17/2018/QĐ-TTg. Việc giao kinh phí này, góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan BHXH, Sở Y tế và cơ sở KCB trong quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT.

Tính đến ngày 31/12/2017, số đối tượng tham gia BHYT là 79,9 triệu người, tăng khoảng 4 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 100,1% so với kế hoạch Chính phủ giao và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 85,6%. Tất cả các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Tính đến hết tháng 3, số đối tượng tham gia BHYT là 80,6% triệu người, tăng 0,7 triệu người so với năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86% trong đó có 27 tỉnh, thành phố tỷ lệ bao phủ dưới 85% dân số.

Năm 2017, số cơ sở y tế mới tham gia KCB BHYT là 189 cơ sở. Năm 2017, có 168 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, tăng 14% so với năm 2016. Trong đó, số lượt KCB ngoại trú là 152,8 triệu lượt tăng 15% và số lượt KCB nội trú là 15,3 triệu lượt tăng 9% so với năm 2016. Số chi KCB BHYT tăng thêm 30% so với năm 2016. Năm 2016 tần suất KCB là 1.9 lượt khám/thẻ/năm; năm 2017 là 2.1; trong đó tần suất KCB nội trú năm 2017 tăng 0.01 lượt.

Trong 4 tháng đầu năm, có 53.065 nghìn lượt KCB (chiếm 31,5% số lượt tham năm 2017) với số chi KCB là 28.783,9 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán Chính phủ giao. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Đẩy mạnh số người tham gia BHYT trên cơ sở nguồn quỹ được sử dụng; thường xuyên báo cáo với UBND tỉnh về tình hình sử dụng quỹ BHYT và đề xuất các giải pháp kiểm soát chi phí KCB, năng ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT...

Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh đề nghị, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố cần thường xuyên báo cáo, tham mưu với tỉnh ủy, HĐND, UBND về các giải pháp phát triển BHYT, quản lý sử dụng hiệu quả quỹ KCB; tăng cường chỉ đạo công tác giám định; phối hợp với ngành y tế kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT.

Thanh Bình