Dùng nước bẩn nhiều năm
Tình trạng người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan bẩn vẫn đang diễn ra tại khu Ký túc xá Thăng Long, tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điều này khiến người dân rất bức xúc bởi nguồn nước này dù đã được qua hệ thống lọc của trạm cấp nước, nhưng vẫn rất bẩn thỉu và ô nhiễm.
Chị Hảo, một người dân sống tại khu Ký túc xá Thăng Long cho biết thường xuyên phải thay lõi lọc định kỳ. Mặc dù chỉ mới hơn 1 tháng, lõi lọc nhà chị Hảo đã trong tình trạng két đen đặc, dù nước đã qua một lần lọc từ trạm cấp nước của khu Ký túc xá Thăng Long nhưng lõi lọc vẫn bị bám một lớp bùn đặc trơn nhớt bốc mùi hôi tanh. Nước từ vòi xả ra, bằng mắt thường cũng thấy có màu đục. Quá lo sợ, chị Hảo phải mua nước bình về để dùng, thay cho mọi sinh hoạt ăn uống.
"Tình trạng nước bẩn ở đây diễn ra từ rất lâu, từ năm khoảng 2007, tôi đã thấy hiện tượng nước vàng, bám cặn ở tất cả các chậu và bồn tắm. Sau đó, tôi mới thuê thợ xử lý bằng cách là thay lắp quả lọc nhưng càng ngày thấy nước càng bẩn và tỷ lệ cặn càng nhiều so với trước", chị Thảo cho hay.
Rất nhiều hộ dân tại khu Ký túc xá Thăng Long đều phải trang bị những quả lọc thô ngay ngoài cửa hành lang. Nước từ trạm xử lý của khu ký túc xá sẽ được bơm trước vào các quả lọc này, sau đó mới đi vào nhà dân. Không yên tâm, bà Bùi Thị Mai (khu ký túc xá Thăng Long) còn phải trang bị thêm một bộ lọc RO trong bếp, nhưng cũng mới chỉ gần 2 tháng, lõi lọc đã trong tình trạng phải thay mới. Đáng lo hơn là nguồn nước này sau khi đã qua nhiều cấp lọc, đun sôi để nguội, luôn bị kết tủa một lớp cặn trắng dày đặc như vôi. Suốt 12 năm qua, bà Mai luôn phải dùng nước này để ăn uống.
Kí túc xá Thăng Long, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội
Khu Ký túc xá Thăng Long được xây dựng từ năm 2003, trên diện tích 1ha. Hiện có 193 căn hộ dân ở và 56 căn hộ cho sinh viên thuê. Tình trạng nước bẩn, đã khiến cho chị Thảo suốt nhiều năm qua không dám rửa mặt bằng nước của khu ký túc xá, mà phải dùng nước đóng chai bởi nếu dùng nước từ vòi để rửa mặt sẽ nổi rất nhiều mụn và gây ngứa ngáy.
Trách nhiệm của UBND phường đến đâu?
Chưa kể, nhà chị Viên cũng sinh sống tại khu ký túc xá Thăng Long, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhà chỉ có 3 người nhưng tháng nào cũng hết 39 - 40 m3 dù mọi người đều đi làm suốt cả ngày. Lượng nước này cao gấp 2-3 lần bình thường với một gia đình 3 người như nhà chị.
Chị nghi ngờ đồng hồ nước không chính xác. Chưa kể nước nhà chị luôn chảy rất yếu, chỉ cần mở một vòi nước bất kỳ, vòi nước thứ hai sẽ rất yếu và đến vòi nước thứ ba không còn nước để chảy. Chị cho biết, một người tắm cả nhà sẽ nhịn dùng nước.
Mặc dù nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thế nhưng suốt hơn chục năm qua, người dân tại đây vẫn phải sống chung với nguồn nước bẩn mà phường lại chưa hề đưa ra được giải pháp nào xử lý triệt để vấn đề này.
Để làm rõ thông tin hơn, PV Thương hiệu và Công luận đã đặt lịch làm việc với UBND phường Dịch Vọng Hậu. Thế nhưng sau nhiều ngày liên hệ, ông Tống Xuân Duy – Phó chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu liên tục báo bận với các lý do đi học, đi họp. Đặc biệt sau đó, ông Duy không nghe bất cứ cuộc gọi nào từ phóng viên, mặc dù là người được chỉ định cung cấp thông tin tới phóng viên.
UBND phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội
Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao người dân sinh sống trên địa bàn phường đã nhiều năm, nhưng cuộc sống lại chưa được đảm bảo khi phải sử dụng nước giếng khoan suốt bấy nhiều năm?
Mặc dù người dân đã có nhiều kiến nghị, thế nhưng phường chỉ dừng lại ở công tác "đã phối hợp cùng chủ đầu tư khu Ký túc xá Thăng Long và Xí nghiệp Nước sạch Cầu Giấy khảo sát, lập phương án tổng thể để cung cấp nước sạch cho tất cả 9 tòa nhà trong khu ký túc xá". Bởi trước đây, các căn hộ này được đầu tư xây dựng, nhưng chưa lắp đặt hệ thống nước sạch tổng thể. Và kết quả là đến nay, dân vẫn phải sống chung với nước bẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án khu Ký túc xá Thăng Long ban đầu được xây dựng để cho sinh viên thuê. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã sử dụng đất sai mục đích, xây thành các chung cư để bán cho người dân.
Sai phạm này, đã khiến hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại đây trở thành các cư dân vô thừa nhận, không sổ đỏ, không hộ khẩu, không được thành lập tổ dân phố và cũng không được thành lập Ban quản trị. Không gắn kết được thành một tập thể, thành lập được những đại diện bảo vệ quyền lợi cho chính cư dân - đó có thể là lý do khiến những vấn đề chung của cư dân như việc lắp hệ thống nước sạch sau mười mấy năm vẫn chưa thể thực hiện...
Trúc Mai