Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Vũ Văn Viện thông tin với báo chí chiều 19/3
Tại buổi giao ban báo chí thường niên Thành ủy Hà Nội chiều 19/3/2019, ông Vũ Văn Viện cho biết:
Vấn đề ùn tắc giao thông là vấn đề tiêu điểm của các thành phố trên thế giới, nhất là các đô thị đang trong quá trình phát triển.
Trước tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngày 31/7/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại 2 thành phố này, với 4 nhóm giải pháp chính.
Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, Nghị quyết và kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm giảm ùn tắc giao thông và đã đạt được một số kết quả nhất định như, đã giảm từ 124 điểm (năm 2010) xuống còn 44 điểm (năm 2015).
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND, ngày 01/12/2015 về Chương trình, mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm ATGT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, với 4 nhóm giải pháp:
Tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Công tác tổ chức và điều hành giao thông khoa học và hợp lý.
Kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT; tổ chức giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT, giải tỏa lòng đường vỉa hè.
Đầu tư xây dựng công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông, triển khai thực hiện đồng bộ trong chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Qua đó, đã giảm ùn tắc giao thông từ 44 điểm (năm 2015) xuống còn 41 điểm (năm 2017).
Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc giải quyết được các điểm giảm ùn tắc cũ, lại phát sinh các điểm giảm ùn tắc mới. Nguyên nhân chủ yếu là do việc phát triển quá nhanh phương tiện giao thông cá nhân, trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp.
Do đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trình HĐND Thành phố xem xét ban hành Nghị quyết về đề án này.
Ngày 04/7/2017, tại kỳ họp thứ 4, HĐND khóa XV, đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, về việc thông qua Đề án trên, với sự thống nhất cao, trong đó có nội dung: xây dựng Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn vào các quận năm 2030”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND, ngày 29/8/2017, với 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn vào các quận năm 2030” và giao Sở GTVT chủ trì, triển khai nghiên cứu đề xuất.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh: Về nguyên tắc, khi triển khai thực hiện đề án thì Tuyến và khu vực hạn chế hoạt động của xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tổ chức giao thông hợp lý, đáp ứng việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế.
Bảo đảm kết nối giữa các loại phương tiện giao thông (giao thông cá nhân và giao thông công cộng).
Mở rộng không gian và các tuyến đi bộ, nhằm tạo thói quen đi bộ và kết hợp với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Về hình thức phân vùng và tổ chức hạn chế hoạt động của xe máy, gồm 2 hình thức:
Phân vùng hạn chế hoạt động theo tuyến đường.
Phân vùng hạn chế hoạt động theo khu vực.
Việc tổ chức hạn chế hoạt động có thể theo thời gian trong ngày và theo ngày trong tuần.
Lộ trình thực hiện: Giai đoạn 2019 - 2020: Nghiên cứu xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tổ chức công khai lộ trình và triển khai các bước thực hiện đã được phê duyệt.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Liên quan đến Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A), ông Vũ Văn Viện chia sẻ:
Tuyến 2A có tổng chiều dài 13,1 km, với 12 ga (Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa).
Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên nhà ga), thang bộ (chiều từ nhà ga đi xuống).
Thời gian chạy tàu hằng ngày: Từ 5 giờ - 23 giờ; năng lực vận tải: 960 người/tàu; giãn cách tàu chạy (giai đoạn đầu): 6 phút (giờ cao điểm), 10 phút (giờ bình thường); số chuyến tàu chạy trong ngày: 144 chuyến/ngày.
Phương án đề xuất giá vé:
Vé lượt (vé chặng), được tính theo khoảng cách đi lại thực tế giữa các ga: Từ ga 1 đến ga 2 và ga 3: 8.000 đồng/người/lượt; từ ga 1 đến ga 4: 9.000 đồng/người/lượt; Từ ga 1 đến ga 12 (ga cuối): 15.000 đồng/người/lượt.
Vé ngày: 30.000 đồng (không giới hạn đi lại).
Vé tháng: 200.000 đồng/người (tính 1 tháng là 30 ngày, kể từ ngày mua vé).
Thành phố cũng miễn tiền vé sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cho các đối tượng: người có công, người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi.
Hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với các đối tượng: học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi.
Hỗ trợ 30% giá vé tháng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Miễn phí toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến 2A trong 15 ngày đầu khi bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Nguyễn Kiên