Ảnh minh họa
Với tốc độ sạt lở nhanh cộng với diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì sự an toàn cho các công trình đê điều, tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân sống ven sông đang là những vấn đề đặt ra. Đặc biệt là mùa mưa lũ năm nay.
Tuyến kè dài hơn 1 km nằm trên địa phận 2 xã Vân Phúc và Xuân Đình của huyện Phúc Thọ. Theo đại diện chính quyền địa phương thì tuyến kè này có bề rộng từ chân tới mái kè là 7 mét. Tuy nhiên, đến nay cả tuyến kè dài đang dần biến mất từng ngày do sạt lở.
Tuyến kè Vân Phúc được nhà nước đầu tư xây dựng vào năm 2013 với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, do biến đổi dòng chảy và nạn “cát tặc” lộng hành từ nhiều năm cho đến nay đã khiến toàn bộ tuyến kè đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Một trong 5 vị trí sạt lở nguy hiểm thuộc bờ sông Đáy và sông Bùi mới được UBND TP. Hà Nội ban bố tình trạng khẩn cấp. Ghi nhận tại thực địa, hiện nay nhiều vị trí sạt lở đã chớm đến mặt đê. Nếu mùa mưa lũ năm nay lặp lại hoặc cao hơn đỉnh lũ của năm 2019 thì nguy cơ tràn và vỡ đê tại đây là rất có thể xảy ra.
Ông Hoàng Văn Chấn, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội nói: “Trên khu vực xóm 8, xóm 9 có khoảng 50 hộ dân là hàng năm nước to là nước nó tràn vào trong các hộ dân ở rất nguy hiểm những cái năm mà nước lớn thì được nhà nước hỗ trợ mì tôm các thứ nhưng mà rất ảnh hưởng đến cái người dân ở đấy”.
Qua kiểm tra và theo dõi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Hà Nội xác định còn 4 điểm đê, kè, cống tại các huyện Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Sóc Sơn và 12 vị trí đê xung yếu cần lập phương án bảo vệ. Tuy nhiên, qua ghi nhận thì tại một số điểm xung yếu nói trên vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép mà chưa được các lực lượng chức năng ra quân ngăn chặn.
Để ứng phó, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ định thầu một số đơn vị tiến hành nghiên cứu, lập phương án thiết kế thi công xử lý sự cố trên tuyến sông Đáy, sông Bùi. Trước đó, điểm sạt lở gây tràn đê tại xã Thái Bình trên sông Bùi, sông Tích đã được khắc phục...
Đinh Hiền