Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Trong năm 2021, cả nước ghi nhận 72.310 trường hợp mắc SXHD, 22 ca tử vong, so với năm 2022 số mắc giảm 46,9%, giảm 07 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, SXHD là bệnh lưu hành địa phương, hàng năm đều ghi nhận số mắc cao so với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt tại các quận nội thành và các huyện tiếp giáp với khu vực nội thành. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác phòng, chống sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn, tính đến ngày 31/12/2021, toàn thành phố ghi nhận 3.315 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc giảm nhiều so với năm 2020 (6.787 ca mắc/02 tử vong).
Với mục tiêu, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do SXHD, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân.
Theo kế hoạch, Hà Nội đã xây dựng các tình huống cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh SXHD. Cụ thể, tình huống 1 khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn, trong đó có các tình huống như: Khi chưa có bệnh nhân, khi có bệnh nhân nhưng chưa có ổ dịch, khi xuất hiện ổ dịch; tình huống 2 khi có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 3 khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội là đơn vị thường trực trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác dự báo dịch, thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch theo quy định; xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch SXHD chi tiết, cụ thể theo từng cấp độ dịch; phối hợp với các TTYT quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động điều tra và xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ phòng, chống dịch đáp ứng kịp thời theo từng cấp độ dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn…
Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân SXH; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân mắc SXH; cập nhật, tập huấn phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân SXH cho cán bộ y tế tham gia công tác khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; các bệnh viện tuyến trên thực hiện hỗ trợ tuyến dưới về công tác chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết; phối hợp với CDC Hà Nội, TTYT quận, huyện, thị xã trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
Các TTYT quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Phòng y tế tham mưu UBND quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai công tác phòng, chống SXH trên địa bàn; thành lập đội xung kích diệt bọ gậy, các tổ giám sát và huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch SXH tại địa phương; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ tuyến xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, trong đó tập trung giám sát, hỗ trợ các xã, phường trọng điểm về SXH và giám sát công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trên địa bàn.
Duy Tuân