Người chăn nuôi lợn vỡ nợ
Mấy tháng qua, người chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh khốn đốn, điêu đứng vì giá lợn rơi không phanh. Chỉ trong thời gian ngắn, giá lợn đã giảm xuống khoảng 50%, hiện chỉ còn giao động từ 20.000 - 25.0000 đồng/kg. Tình trạng thua lỗ, vỡ nợ đang xảy ra ở rất nhiều hộ gia đình vì giá lợn giảm thê thảm, không có thị trường tiêu thụ, lợn đẻ ra không có chỗ nuôi, nguy cơ dịch bệnh, thiếu vốn sản xuất, không có tiền để mua thức ăn, thuốc thú y…
Giá lợn tụt dốc khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng
Bà Nguyễn Thị Thủy, trú tại thôn Thượng Tiến, xã Đức Lạc (Đức Thọ) than thở: “Nhà tôi làm trang trại chăn nuôi được gần 10 năm rồi, chưa có năm nào, giá lợn tụt dốc thảm hại như năm nay. Mỗi lần xuất chuồng, trang trại thua lỗ từ 30-40 triệu đồng. Tính tổng thiệt hại trong đợt này, gia đình mất khoảng 400 triệu đồng nên đã dỡ bỏ hàng chục chuồng nuôi lợn, chuyển sang nuôi chó. Làm ăn nhiều năm, đến giờ bán cả nhà cũng không đủ trả nợ”.
Ông Nguyễn Văn Sửu (chủ cơ sở chăn nuôi nái ở xã Tân Lộc (Lộc Hà) cho biết, trang trại của ông có 470 con lợn nái, từ tháng 1/2017 đến nay, đã lấp đầy 2 chuồng lợn giống vì không tiêu thụ được. Trong khi đó, các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ tại địa phương, có đến 85% là dừng nuôi khiến các trại nái rất khó khăn.
Bà Lê Thị Phương, một chủ trang trại lợn tại xã Hương Xuân (Hương Khê) cũng cho hay, trang trại có 600 con lợn nái, 3.200 con lợn giống và lợn thịt đã quá hạn xuất chuồng. Việc không tiêu thụ được thịt lợn khiến trang trại phát sinh rất nhiều chi phí, chỉ tính riêng tiền cám, mỗi ngày ngốn mất 30 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công, hàng tháng phải trả cho 15 người với gần 100 triệu đồng.
Ông Lê Văn Nhị, Giám đốc Công ty chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh xót xa: “Để tự cứu mình thoát khỏi bờ vực phá sản, lợn nái đẻ ra, chúng tôi buộc phải bỏ đi một nửa, chỉ dám để một nửa để nuôi, tính kế sau khi lợn sinh sản, sẽ đưa đến từng nhà cho không để người dân nuôi hoặc tiêm thuốc để lợn sinh ra không thể sống được nhằm giảm bớt chi phí”.
Hiện công ty đang tồn đọng 71.286 con lợn giống và lợn thịt đã đến thời điểm xuất chuồng, trị giá trên 250 tỷ đồng, trong khi hạn mức vay vốn lưu động của các đơn vị tại ngân hàng đã vượt ngưỡng. Doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo đi tìm kiếm thị trường, nếu không có giải pháp kịp thời, DN có nguy cơ phá sản”.
Cả tỉnh chung tay “giải cứu lợn”!
Trước tình trạng giá lợn giảm tới mức khủng hoảng, ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký công văn hỏa tốc tới các địa phương đề nghị khẩn trương vào cuộc ổn định tình hình chăn nuôi.
Tiếp đó, ngày 28/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Văn bản số 597/TTg-NN, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang đối diện với nguy cơ phá sản
Để giúp bà con và các doanh nghiệp, ngày 14/2 và tiếp đó là ngày 4/5, UBND tỉnh làm việc với các ngành hữu quan, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ, ổn định sản xuất. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn đến các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, đề nghị cùng tham gia tiêu thụ và chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn trên địa bàn, từng bước vượt qua đợt khủng hoảng.
Thời điểm này, tổng đàn lợn thịt đến kỳ xuất chuồng trên toàn tỉnh khoảng hơn 80.000 con, trong đó tồn đọng ở cơ sở chăn nuôi gia công quy mô lớn là 43.500 con lợn thương phẩm và 40.000 con từ cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Để khắc phục khó khăn, trước hết các cơ sở chăn nuôi phải chủ động, sáng tạo trong giải pháp tháo gỡ. Các cơ sở cần liên kết thành lập các hiệp hội chăn nuôi để cùng hỗ trợ nhau vượt khó.
Các địa phương có các giải pháp cụ thể, đến từng trại để giúp đỡ các hộ chăn nuôi; rà soát nhu cầu thực phẩm lớn ở cơ sở lớn để vận động cùng chia sẻ với người chăn nuôi; có chính sách thành lập các cửa hàng “giải cứu lợn”.
Ngành nông nghiệp, các địa phương rà soát lại đàn nuôi, dứt khoát không được tăng đàn; giảm quy mô đàn ở cơ sở chăn nuôi lớn. Sở Công thương rà soát lại các chi phí đầu vào nhằm bình ổn giá thị trường.
Về chính sách hỗ trợ, giao Sở NN&PTNT chủ trì, xác định lại quy mô tài chính, báo cáo UBND tỉnh kịp thời để có phương án hỗ trợ bà con chăn nuôi.
Cụ thể, UBND Hà Tĩnh đã đề nghị Công ty Formosa (có gần 6.000 cán bộ công nhân viên) và một số công ty, đơn vị khác xem xét, có các hoạt động tham gia chương trình nêu trên. Đại diện Công ty Formosa Hà Tĩnh cho biết, sẽ tiến hành thu mua gần 19.000 kg thịt lợn mỗi tháng để phục vụ các bếp ăn của cán bộ, công nhân viên.
Để “giải cứu lợn” cho người chăn nuôi, một số đơn vị cũng đã vào cuộc như Liên đoàn Lao động huyện Can Lộc, đã có văn bản phát động công đoàn tiêu thụ thịt lợn giúp người dân chăn nuôi.
Mơi đây, Agribank Hà Tĩnh kêu gọi cán bộ, công nhân viên toàn hệ thống mua thịt lợn hỗ trợ bà con nông dân. Trong đợt đầu tiên, 547 cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống Agribank Hà Tĩnh đã tình nguyện mua 5,5 tấn thịt lợn hơi hỗ trợ người chăn nuôi…
Trình - Tuyết - Phượng