Được biết,  tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội là Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890.

Habeco trình kế hoạch lãi 811 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước - Hình 1

Ngày 6/5/2003, Bộ trường Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 75/2003/QĐ-BCN thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (viết tắt là HABECO).

Trải qua gần 130 năm lịch sử với hơn nửa thế kỷ khôi phục và phát triển, đến nay, Habeco đã trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành Đồ uống Việt Nam.

Mới đây, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội ) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2018.

Tại cuộc họp lần này, cổ đông cũng xem xét thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2013 - 2017 và bầu thay thế 7 thành viên HĐQT, 3 thành viên ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Trong đó, HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu 8.895 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 811,4 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch doanh thu giảm 10% thì lợi nhuận lại tăng 23% so với kết quả năm trước. Tỷ lệ cổ tức HĐQT trình chia cho năm 2018 là 20%.

Điều đáng nói, trong báo cáo thường niên 2017, Habeco đưa con số lãi sau thuế chỉ 607,3 tỷ đồng, tức thấp hơn kế hoạch trình Đại hội lần này 204,1 tỷ đồng. Do đó, từ việc lãi giảm 8%, Habeco đã lên kế hoạch lãi tăng lên 23%.

Cũng theo báo cáo thường niên 2017, sản lượng bán bia chai Hà Nội 450 ml liên tục suy giảm trong những năm gần đây do dung tích lớn, giá bình dân, thương hiệu truyền thống, lợi nhuận không hấp dẫn đối với nhà phân phối. Do đó trong năm 2018, Habeco sẽ phát triển sản phẩm Bia Hà Nội dung tích 330 ml để thay thế chai 450 ml. Đồng thời, Habeco sẽ phát triển các thương hiệu khác như Hanoi Beer Premium và Bia Trúc Bạch.

Về công tác đầu tư, Habeco sẽ thực hiện dự án di dời nhà máy 183 Hoàng Hoa Thám, quy hoạch lại mặt bằng tại đây và nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh; đầu tư dây chuyền, hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Ngọc Linh