Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên trên địa bàn đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa trung bình đến 13 giờ ngày 23/7 là 92mm, trong đó tổng lượng mưa cao nhất từ 19 giờ ngày 22/7 đến 13 giờ ngày 23/7, tại thị xã Kinh Môn là 125,8mm và huyện Kim Thành là 113,3mm.
Lượng mưa lớn đã khiến 4.972ha lúa bị ngập, trong đó ngập trắng là 806ha, ngập phất phơ là 1.432ha. Địa phương có diện tích lúa bị ngập nhiều nhất là thành phố Chí Linh với 1.375ha; huyện Kim Thành là 807ha…
Bên cạnh đó, tại tỉnh Hải Dương còn xảy ra một số điểm sạt như: Đường lên đình Cao phường An Sinh (thị xã Kinh Môn) với chiều dài bị sạt 12m. Khoảng 100m2 đất trồng cây ăn quả của nhà ông Nguyễn Quang Bơ (thôn Vườn Đào, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh); khoảng 50m2 đất rừng đã giao cho bà Nguyễn Thị Dương (ở khu dân cư Phao Sơn, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh) cũng bị sạt lở.
Để ứng phó với tình hình ngập úng do cơn bão số 2 gây ra, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn và các địa phương đã chủ động tiêu nước; 68 trạm của các công ty khai thác công trình thủy lợi với 401 máy bơm các loại cùng một số trạm bơm tiêu của địa phương đã được vận hành để chống úng.
Trước sự việc trên, để ứng phó với cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê khi có lũ để phát hiện kịp thời các sự cố và xử lý theo quy định
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát những vị trí có nguy cơ sạt lở, các công trình đang thi công trên địa bàn; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai phù hợp thực tế, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng.
Bùi Tú