Báo cáo tại cuộc họp về tiến độ thực hiện dừng, chấm dứt hoạt động và giải tỏa bến bãi trong 6 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Lương Văn Cảnh cho biết, kết quả bến bãi dừng, chấm dứt hoạt động, xử lý vi phạm tồn tại đạt tỷ lệ chưa cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp, phân loại, lập danh mục bến bãi trên địa bàn.
Các huyện, thị xã, thành phố đã giải tỏa các 33 bến bãi không phù hợp quy hoạch. Các bến bãi phù hợp quy hoạch chủ yếu đã thực hiện kế hoạch giải tỏa theo kết luận của các Đoàn liên ngành.
Đến nay, còn 60 bến bãi không phù hợp quy hoạch vẫn chưa chấm dứt hoạt động (nhiều nhất là Kinh Môn với 29 bến bãi, Tứ Kỳ 10 bến bãi, Ninh Giang 8 bến bãi); còn 7 bến bãi không phù hợp quy hoạch nhưng có thủ tục pháp lý chưa dừng, chưa thực hiện thu hồi thủ tục liên quan.
Hiện còn 158 bến bãi phù hợp quy hoạch, chưa đủ thủ tục pháp lý vẫn hoạt động. Các bến bãi hoạt động vi phạm chất tải vật liệu khối lượng lớn, chưa giải tỏa trong mùa lũ năm 2024 tập trung tại địa bàn thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, thành phố Hải Dương. Các bến bãi còn vi phạm tồn tại chủ yếu gồm 131 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đầu tư, 152 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đất đai, 112 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực môi trường, 306 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đê điều, thủy lợi, 192 trường hợp vi phạm lĩnh vực giao thông, 5/10 bến bãi tồn tại vi phạm lĩnh vực khác.
Trước đó, ngày 24/2/2024, UBND tỉnh Hải Dương đã có Kế hoạch số 266/KH-UBND thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh". Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dừng, chấm dứt hoạt động, xử lý vi phạm tồn tại đạt tỷ lệ thấp.
Các bến bãi hoạt động vi phạm chất tải vật liệu khối lượng lớn, chưa giải tỏa trong mùa lũ năm 2024 tập trung nhiều nhất tại địa bàn thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành và thành phố Hải Dương.
Liên quan đến việc quản lý, xử lý các bến bãi, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu việc phân loại, xử lý bến bãi vi phạm trên địa bàn tỉnh phải thực hiện thống nhất theo nguyên tắc chung. Từ đó, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động bến bãi, bảo đảm quy định của pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các bến bãi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với những bến bãi không phù hợp với quy hoạch đang hoạt động, đủ thủ tục pháp lý. Đối với những bến bãi vi phạm được phép tồn tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương rà soát, căn cứ vào thủ tục pháp lý còn thiếu để hướng dẫn, đề nghị chủ bến bãi bổ sung.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu việc xử lý bến bãi vi phạm không được triển khai một chiều mà phải xem xét, cân nhắc dựa trên nhiều điều kiện, yếu tố, nhằm bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ bến bãi. Những bến bãi tồn tại không phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương cần kiên quyết xử lý, giải tỏa.
Bùi Tú