Thông tin được đưa ra trong Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024” diễn ra vào sáng 15/01.
Nhiều thách thức
Tại Hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: “Năm 2023 là một năm thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam”.
“Việt Nam bước vào năm 2023 với khá nhiều kỳ vọng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đã phục hồi khá tích cực trong năm 2022. Tuy nhiên, một số cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, tình hình thời tiết cực đoan, bão lũ, thiên tai,... trên thế giới đều tác động không nhỏ tới quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đó là chưa kể, lạm phát tiếp tục neo ở mức cao, tăng trưởng thương mại yếu và niềm tin kinh doanh và người tiêu dùng chậm phục hồi. Trong bối cảnh ấy, nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để ưu tiên kiềm chế lạm phát,...
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có một số giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, có những điều chỉnh linh hoạt và chỉ đạo tương đối sát để tháo gỡ vấn đề ở một số lĩnh vực như tín dụng, bất động sản,…”, bà Minh nói.
Bà Minh nhận định: Việt Nam đã xử lý tương đối hiệu quả tác động của các diễn biến trên thị trường thế giới đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023.
Kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá rõ đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. “Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố”, bà Minh nhấn mạnh.
Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2024?
Trước những thách thức của năm 2023, CIEM đưa ra 2 kịch bản đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Đối với kịch bản thứ nhất, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024. Với kịch bản này, CIEM dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể tăng 6,13%, lạm phát bình quân là 3,94%, tăng trưởng xuất khẩu là 4,02%.
Đối với kịch bản thứ hai, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh GDP của thế giới tăng 3,2% và một số chỉ tiêu tín dụng, GDP Việt Nam có thể tăng 6,48%, lạm phát bình quân là 3,72%, tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt 5,19%. Lãnh đạo CIEM cho rằng, sau năm 2022 với những thành tựu tương đối ấn tượng ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2023.
“Bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng. Tư duy nhấn mạnh hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phù hợp, song không đủ”, lãnh đạo CIEM nhấn mạnh.
Trước tình hình đó, CIEM kiến nghị Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các FTA là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường.
Minh An(t/h)