Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 đạt hơn 54 tỷ USD
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Hà Nội, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 đạt 54,4 tỷ USD.
Ngoài ra, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,57%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng 6,27% của GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 488,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng mức và tăng 10,6%.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, để đạt được kết quả trên, trong năm 2023 ngành công thương Hà Nội đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục hồi kinh tế; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của trung ương và TP Hà Nội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ngành công thương đã thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu trong năm 2023. Do vậy đã đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội năm 2023.
Trước những kết quả đạt được trong năm 2023, năm nay ngành Công Thương đặt kế hoạch đưa kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 -5% so với năm 2023.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu này không dễ dàng bởi bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi xuất cao, nợ công toàn cầu tăng mạnh, lạm phát leo cao… khiến hoạt động xuất khẩu bị thu hẹp.
Xuất khẩu sẽ ‘lội ngược dòng’ trong năm 2024?
Bàn về vấn đề trên, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Trong thời gian tới ngành công thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, ngành công thương sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước... “Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại của Hà Nội được đẩy mạnh để giúp các doanh nghiệp tìm các đối tác xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, khuyến cáo doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống”, bà Lan chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, Sở Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.
"Thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu; đề xuất các giải pháp để tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ đó giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài. Trước mắt, đẩy mạnh tập trung phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024” - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Minh An(t/h)