Năm 2021, trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Đến năm 2022, dịch bệnh dần được kiểm soát, nhưng mỗi tháng vẫn có khoảng 11.900 doanh nghiệp đóng cửa.

Bước sang năm 2023, chỉ trong 02 tháng đầu năm, 51.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mỗi tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui, cao gấp 2,5 lần năm đỉnh dịch 2021. Con số này cũng gấp hơn 2 lần trung bình năm 2022 vừa qua.

Hai tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp rút lui tiếp tục cao hơn thành lập mới.
Hai tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp rút lui tiếp tục cao hơn thành lập mới.

Về số doanh nghiệp thành lập mới, từ đầu năm đến nay có 37.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Số đăng ký thành lập mới là 19.700 doanh nghiệp, số quay lại hoạt động là 18.200 doanh nghiệp. Kết quả này giảm cả về số lượng, vốn đăng ký và lao động so với cùng kỳ năm trước.

Về vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 02/2023, IIP tăng 5,1% so với tháng trước, nhưng nhiều ngành chủ lực vẫn gặp khó.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thiết bị điện giảm 50,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 13%; sản xuất kim loại giảm 12,2%; sản xuất trang phục giảm 11,7%; dệt giảm 11%; sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 8,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 5,3%.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhận định, những ngày cuối năm 2022, tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu…

Khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh; khó khăn trong duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp. Trong khi đó, đơn hàng, doanh thu, doanh số bị sụt giảm mạnh, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng.

Doanh nghiệp gặp khó về vốn, nhưng gói hỗ trợ lãi suất 2% đến nay chỉ cho vay được 0,2% nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu đề nghị Ngân hàng Nhà nước có phương án xử lý.

Minh An (T/h)