Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả nằm trên tuyến QL1A qua tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, điểm đầu tại Km 1353+500 – QL1A thuộc tỉnh Phú Yên, điểm cuối tại Km 1374+525 thuộc tỉnh Khánh Hòa. Chiều dài hầm Đèo Cả là 3.900m, chiều dài hầm Cổ Mã là 500m, đường dẫn và cầu trên tuyến là 9km.
Hầm đường bộ qua Đèo Cả được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997, gồm 2 hầm đơn song song nhau. Trong mỗi hầm đơn có 2 làn xe, bề rộng mỗi làn là 3,5m, khoảng cách giữa hai hầm đơn là 30m. Vận tốc thiết kế là 80 km/h, hầm có thể chịu được động đất cấp 7.
Hầm đường bộ Đèo Cả và hầm Cổ Mã chính thức thông xe từ 21/8
Cả 2 hầm này đều có quy mô và trang thiết bị hiện đại nhất trên QL1A hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn đường, cho phép xe lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h. Đây là công trình hầm đường bộ quy mô đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam.
Các phương tiện qua đây được rút ngăn thời gian khoảng gần 1 giờ đồng hồ
Việc đưa hầm Đèo Cả vào khai thác sử dụng, đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc và mất an toàn khi đi qua Đèo Cả trước đây, thời gian được rút ngắn từ 60 phút xuống chỉ còn 10 phút. Qua đó kết nối 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, cũng như tạo điều kiện về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung Bộ với cả nước.
Trạm thu phí được thiết kế theo phong cách hiện đại, việc thu phí hoàn vốn cho dự án được thực hiện từ ngày 3/9
Để đạt được kết quả này là quá trình điều hành chỉ đạo sát sao của chủ đầu tư, cũng như Ban quản lý Dự án. Ông Hồ Minh Hoàng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: Để quản lý điều hành một dự án lớn, chúng tôi đã áp dụng nhiều sáng kiến quản lý mới mà được các nước trên thế giới áp dụng thành công. Đó là sự công khai, minh bạch trong quản lý điều hành. Đối với công tác thi công, chúng tôi công khai tiến độ thi công của các gói thầu và báo cáo tiến độ thường xuyên đến Bộ Giao thông vận tải.
Với việc đua hầm đường bộ vào hoạt động thì mức giá dịch vụ sử dụng hầm đường bộ Đèo Cả là thấp hơn đáng kể so với việc vượt 22km đèo ngoằn nghèo trước đây. Dịch vụ hỗ trợ xử lý sự cố xe luôn túc trực 24/7 được thực hiện bởi đội ngũ hơn 200 cán bộ, công nhân của Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả và hệ thống thiết bị hiện đại.
Quang cảnh buổi lễ thông xe chính thức đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào hoạt động
Được biết, hạng mục hầm Đèo Cả - hầm Cổ Mã và đường dẫn sẽ được đưa vào sử dụng ngay sau buổi lễ thông hầm hôm nay và chính thức thu phí từ ngày 3/9 năm nay.
Công trình được khai thác liên tục tất cả các ngày trong năm, hàng ngày, hầm sẽ đóng cửa trong vòng 1 giờ đồng hồ (từ 3-4h sáng) để vệ sinh và bảo trì. Việc lưu thông qua 2 hầm trên, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, lái xe cần tuân thủ về xử lý các tình huống khẩn cấp khi trong hầm đã được Bộ GTVT chấp thuận.
Xuân Hữu