Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội được đặt theo tên của Tiến sĩ Hermann Gmeiner, người sáng lập tổ chức nhân đạo quốc tế SOS. Việc đặt tên này thể hiện sự tôn vinh đối với những đóng góp to lớn của Tiến sĩ Gmeiner trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa trên toàn thế giới.
Mục đích cao cả của Trường Hermann Gmeiner Hà Nội chính là tiếp nối sứ mệnh của Tiến sĩ Gmeiner thông qua việc cung cấp môi trường giáo dục chất lượng cao cho dân cư quanh khu vực; chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho học sinh phát triển tiềm năng; giáo dục học sinh về lòng nhân ái và sự sẻ chia.
Trường Hermann Gmeiner bên cạnh việc thực hiện công tác giáo dục với học sinh hoặc phụ huynh có nguyện vong cho con em học tập tại trường, trẻ em nghèo, học giỏi được nhận học bổng, còn có nhiệm vụ tiếp nhận trẻ mồ côi không nơi nương tựa hiện đang được nuôi dưỡng trong Làng trẻ em SOS vào học.
‘Quyền’ và ‘nghĩa vụ’ của trẻ em là cụm từ luôn cần phải đi kèm với nhau. Thế nhưng có phải thật sự trẻ em nào cũng hiểu được điều này? Bên cạnh việc nhận được những ‘đặc quyền’, những ‘quyền lợi’ mà trẻ em nên nhận thì trẻ em có cần phải thực hiện ‘nghĩa vụ’ cần có hay không?
Cô Đỗ Khánh Phượng - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường PTDL Hermann Gmeiner Hà Nội: Trẻ em là thế hệ sẽ xây dựng, phát triển đất nước trong tương lai, đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Bởi vậy, việc đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai của đất nước, việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Quyền trẻ em càng được thể hiện rõ trong Luật Trẻ em năm 2016.
Tại Trường phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội, hiện có khoảng 12% học sinh đến từ Làng trẻ em SOS Hà Nội. Bởi sinh ra trong hoàn cảnh không được đầy đủ về vật chất, tinh thần nên nhóm học sinh này nhận được sự quan tâm đông đảo của xã hội. Tuy nhiên, cũng chính bởi tư tưởng bù đắp đôi khi thái quá, nên có một số trẻ khi về thăm hoặc gặp người nhà, họ hàng, người thân thường có xu hướng cho trẻ tiền, mua điện thoại… cho các em, hoặc trong một vài ngày gần trẻ, một bộ phận thân nhân tỏ ý chiều chuộng các em một cách vượt xa mức bình thường. Điều này vô tình dẫn đến việc một số trong các em chỉ nghĩ đến ‘quyền’ mà mảy may quên đi ‘nghĩa vụ’ mà các em cần phải thực hiện. Bởi chính sự quan tâm đôi khi thái quá đó khiến các em cho rằng đó là những gì bản thân ‘cần phải’ được nhận. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng lại vô tình khiến những bà mẹ trong Làng trẻ em SOS khó khăn hơn trong công tác quản lý trẻ, nhìn thấy các em hư nhưng chẳng thể làm thế nào. Tình trạng này nếu kéo dài có thể khiến các em trở nên sống ích kỷ, chỉ biết nhận mà quên đi mất việc trao đi cũng vô cùng quan trọng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nền giáo dục bình đẳng là sự trung hoà, kết hợp của nhiều yếu tố, là sự góp sức của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo cô điều này có chính xác hay không, và yếu tố gì được cho là là cần thiết để tạo nên một nền giáo dục bình đẳng?
Cô Đỗ Khánh Phượng - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường PTDL Hermann Gmeiner Hà Nội: Trong bất kỳ môi trường, lĩnh vực nào thì sự bình đẳng cũng là cần thiết. Đầu tiên, bình đẳng trong giáo dục không phải là sự đòi hỏi, giáo viên vẫn giữ vai trò giảng dạy, còn học sinh vẫn mang những vai trò của học sinh – người học, thế nhưng một bộ phận phụ huynh học sinh lại luôn luôn mang tư tưởng đòi hỏi bình đẳng cho con, chỉ đòi hỏi sự bình đẳng cho bản thân mà quên đi mất ‘nghĩa vụ’. Rõ ràng nếu muốn có một nền giáo dục bình đẳng thì cần phải nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người, và cần phải thực hiện nghĩa vụ đó trên cơ sở nào. Xét về bình đẳng trong giáo dục, mỗi người sẽ có sự bình đẳng khác nhau. Bên cạnh quyền lợi của bản thân thì cũng cần phải có trách nhiệm để nhận được sự bình đẳng đó.
Thứ hai, bình đẳng trong giáo dục nằm ở phía các bậc phụ huynh có tạo ra được sự bình đẳng đó cho con em mình không. Như việc các bậc phụ huynh dạy dỗ, giáo dục, định hướng cho con cái là điều cần thiết, thế nhưng áp đặt, áp chế con đi theo sự lựa chọn hay ý muốn của phụ huynh và luôn nghĩ mình đang làm điều tốt cho con để biện minh là không nên. Về phía nhà trường, cũng yêu cầu những học sinh cần phải đáp ứng đủ các phẩm chất, kỹ năng, năng lực, học sinh cần đi học đầy đủ, hoàn thành các bài tập được giao… Tương tự như đi làm, thì việc đi học cũng sẽ cần phải có những ‘áp lực’, nhưng đây là những ‘áp lực’ mang tính tích cực, không nặng nề về bệnh thành tích.
Bởi vì sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình điều này có ảnh hưởng gì đến tâm lý của những học sinh này sau khi ra trường khi cho rằng bản thân mình không bằng so với người khác hay không?
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường PTDL Hermann Gmeiner Hà Nội:
Với sự phát triển của xã hội, rất nhiều trẻ trước khi vào Làng trẻ SOS có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, ngoài bố mẹ đã mất, còn có bố mẹ buôn bán ma túy, bị đi tù, hoặc mất khả năng nuôi dưỡng trẻ… Và các cháu đã bị rối nhiễu tâm trí, tổn thương... dẫn đến việc dạy dỗ của các mẹ, các cán bộ Làng trẻ em SOS và giáo viên với các trẻ như vậy gặp muôn vàn khó khăn.
Với sự hỗ trợ phù hợp trong Chương trình học tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội, học sinh thiếu thốn tình cảm gia đình, tổn thương, yếu thế có thể vượt qua những khó khăn và phát triển thành công. Tại đây, bên cạnh việc học tập, để tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, trong trưởng có nhiều câu lạc bộ, các hoạt động thú vị như hoạt động tham vấn tâm lý, các câu lạc bộ về bảo vệ môi trường, câu lạc bộ bóng rổ, cầu lông, cỡ vua… Đặc biệt, các câu lạc bộ này đều được thực hiện trong giờ hành chính để các em có thể về nhà sau đó.
Trên hành trình "trồng người", nhà trường mong muốn mang đến những giá trị cốt lõi gì cho học sinh?
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường PTDL Hermann Gmeiner Hà Nội: Trên hành trình "trồng người", Trường Hermann Gmeiner Hà Nội mong muốn mang đến cho học sinh những giá trị cốt lõi về tri thức, kiến thức tư duy phản biện và khả năng học tập suốt đời; ý thức trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước; sự chủ động và sáng tạo trong cuộc sống. Đồng thời, tôi hi vọng mỗi học sinh trong trường luôn có lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ và trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp.
Cảm ơn những chia sẻ của cô!
Hà Linh