Ngoài các vi phạm về quảng cáo, nhãn mác thì hành vi sản xuất chui, đưa thêm chất cấm vào thực phẩm vẫn diễn ra… thường xuyên.
Lãnh đạo Cục ATTP cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã thanh, kiểm tra được 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 24.603 cơ sở, trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt hơn 42,5 tỷ đồng. Đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở; 3.926 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm không đảm bảo an toàn…
Theo Nghị định 115/NĐ-CP sắp có hiệu lực, hành vi bơm tạp chất vào hải sản sẽ bị phạt rất nặng
Tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất thực phẩm mà không công bố sản phẩm (sản xuất chui), đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm (chất cấm) vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức công dụng sản phẩm… cũng vẫn diễn ra thường xuyên.
Bên cạnh đó, tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo thực phẩm tràn lan qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức kinh doanh thực phẩm khá phổ biến hiện nay và gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng về sản phẩm, nhất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe khá phổ biến nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế để kiểm soát.
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP sẽ có hiệu lực từ 20/10 tới đây (thay thế cho Nghị định 178 hiện nay) sẽ khắc phục được đáng kể tình trạng vi phạm kể trên. Tại Nghị định 115, quy định các hình thức xử phạt, mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay (mức phạt tăng tối đa tới 10 lần), do đó sẽ có tính răn đe hơn.
Hằng Vương(T/h)