Trong thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội thường xuyên tham mưu cho Sở NN&PTNT các văn bản chỉ đạo về quản lý chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn. Trong đó ngành nông nghiệp đã ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức và quản lý sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; tiếp tục triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi. Qua đó đã hình thành 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn TP. Hà Nội
Từ đầu năm 2018 đến nay, các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 120 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn. Thu hút các doanh nghiệp cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Ngoài ra, đã cấp được 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thủ đô cũng thực hiện chương hình giám sát chất lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản và tích cực thực hiện đề án cửa hàng trái cây của thành phố. Ngành nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra giám sát và lấy 312 mẫu nông lâm thủy sản, gồm 36 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gà, 44 mẫu thủy sản, 87 mẫu rau, 48 mẫu quả, 12 mẫu chè, 28 mẫu gạo 27 mâu thực phẩm chế biến. Trong đó, 265 mẫu đã có kết quả, phát hiện 17 mẫu vi phạm chiếm 6,42% giảm 2,18% so với cùng kỳ năm 2017, các mẫu vi phạm này đã được chuyển để các đơn vị sản xuất và xử lý theo quy định.
Để kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã thực hiện tổ chức lấy mẫu và thực hiện kiểm nghiệm nhanh 70 mẫu nước tiêu tại các cơ sở giết mổ giết mổ động vật. Kết quả 70/70 mẫu âm tính với chất Salbutamol. Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.
Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, ngành NN&PTNT đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Qua đó, đã lập danh sách được 18.140 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đã kiểm tra xếp loại 167 lượt cơ sở. Trong đó, 114 cơ sở được xếp loại A/B chiếm tỷ lệ 68,3%, 35 cơ sở xếp loại C chiếm tỷ lệ 27,5%. Sau khi khắc phục, 12 cơ sở xếp loại C đã được tái kiểm tra và lên xếp loại B đạt 34,3%, số còn lại tạm thời dừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục sai lỗi.
Riêng đối với công tác thanh, kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, từ đầu năm đến nay, tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra do thanh tra Sở NN&PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện là 497 cơ sở. Đã phát hiện 90 cơ sở vi phạm, chủ yếu vi phạm điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; Thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng, thu giữ 4,5 kg thuốc, xử phạt 3 trường hợp với số tiền là 13 triệu đồng.
Để đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP; tập huấn kiến thức và hướng dẫn thực hành ATTP theo chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn.
Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo quy trình VietGAP. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Huy Trung