Tại Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, “bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Tác nhân này có thể là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm”.
Ảnh minh họa
Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh (bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh…).
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).
Theo đó, nhóm A sẽ có mức độ nghiêm trọng nhất, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Dịch bệnh Covid-19, còn được gọi là dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra thuộc nhóm A.
Mặt khác, tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Nghiêm cấm các hành vi như: “Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…”.
Đối với cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mức phạt có thể tăng cao từ 5 đến 10 triệu đồng khi có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.
Đặc biệt nếu hành vi trên gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, phạt mức từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm với một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; mức phạt có thể tăng lên đến 12 năm tù nếu mức độ gây nguy hiểm cho cộng đồng ở diện rộng, gây tổn hại lớn về kinh tế, xã hội…
Như vậy, hành vi lây lan dịch bệnh cho người khác là một trong những hành vi rất nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
PV