Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý, muốn phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng thì cần phải có doanh nghiệp tầm cỡ lớn. Bên cạnh đó, các dự án cũng phải đủ lớn, phát triển đầy đủ cả khu vui chơi giải trí, đặc biệt đạt đến tầm cỡ đô thị du lịch mới thu hút được đông đảo du khách, giá trị bất động sản mới “lớn lên” được.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn hấp dẫn dòng tiền
Sau tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với đà phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó, dòng tiền đầu tư trong nước như cô phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng, tiết kiệm ngân hàng...cũng đang ghi nhận những chuyển biến tích cực nhờ dòng tiền đầu tư gia tăng trở lại.
Giới phân tích đánh giá, trong các kênh đầu tư nói trên, hấp dẫn dòng tiền nhất cả trong ngắn hạn và dài hạn vẫn là bất động sản; nổi bật là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khi hưởng lợi tuyệt đối từ sự bật tăng trở lại của lượng khách du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022. Mặc dù số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng riêng vốn FDI chảy vào ngành bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Còn số đăng ký này đã tăng cao hơn gấp đôi so với số vốn 1,6 tỷ USD mà ngành bất động sản thu hút được của 8 tháng năm 2021. Thậm chí, con số này còn gấp hơn 6 lần nếu so với con số 2,7 tỷ USD của cả năm 2019 - là thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra.
Từ đầu năm 2022 đến nay, sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch đã làm gia tăng sức hút của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 8 tháng năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt 79,8 triệu lượt, tăng gấp gần 3 lần so với cả năm 2021 và vượt xa chỉ tiêu năm 2022. Chỉ riêng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 377,8 nghìn tỷ đồng và đang theo chiều hướng đi lên.
Đối với du khách quốc tế, cả nước đón 1,44 triệu lượt trong 8 tháng, gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ tính riêng tháng Tám, khách nước ngoài đến Việt Nam đạt 486.400 người, tăng 38 lần so với tháng trước đó và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, từ yếu tố FDI chảy mạnh vào bất động sản cùng với du dịch hồi phục, phát triển mạnh mẽ, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trở thành phân khúc được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phục hồi trở lại.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ, nhiều nhà phát triển bất động sản hiện nay đang quan tâm và lựa chọn đầu tư vào bất động sản du lịch. Nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng tăng cao. Sống xanh, sống khỏe, sống nhân văn, cá tính trở thành xu hướng và rất phù hợp với cuộc cách mạng bất động sản hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho hay: “Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân bây giờ rất lớn, các resort nhỏ là đã kém thu hút khách rồi. Trong khi những resort lớn với cảnh quan hoành tráng, cung cấp đầy đủ dịch vụ hấp dẫn và thu hút hơn hẳn.
Tôi cho rằng đã phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng thì cần phải có doanh nghiệp tầm cỡ lớn. Bên cạnh đó, các dự án cũng phải đủ lớn, phát triển đầy đủ cả khu vui chơi giải trí, đặc biệt đạt đến tầm cỡ đô thị du lịch mới thu hút được đông đảo du khách, giá trị bất động sản mới lớn được. Nhà đầu tư sẽ kỳ vọng vừa có thể cho thuê, vừa có thể tăng giá trị bất động sản trong tương lai, đó mới là kỳ vọng thực sự của họ”.
Đô thị du lịch - đích đến của dòng tiền
Trong bối cảnh mới, đô thị du lịch ví như “làn gió tươi mát” định nghĩa lại thị trường. Loại hình bất động sản này có nhiều ưu thế khi vừa là nơi an cư, nghỉ dưỡng (home wellness) vừa là điểm đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời có thể được sử dụng như một bất động sản cho thuê, khai thác kinh doanh.
Lý giải về sức hút của dòng sản phẩm này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định: “Cơ sở nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện còn tương đối sơ khai so với nhiều nước nên dư địa phát triển còn rất lớn. Du lịch đã hoạt động mạnh mẽ, sôi động trở lại. Bất động sản đô thị du lịch hiện là phân khúc đáng đầu tư. Dự đoán ngành bất động sản sẽ sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển, khi kinh tế đang phục hồi và vấn đề pháp lý sắp tới được tháo gỡ”.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam đang có một chiến lược phát triển kinh tế biển rất tốt. Riêng khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã có 14 tỉnh có kế hoạch phát triển rất rõ.
Trong kế hoạch phát triển khu vực Nam Trung Bộ, tốc độ tăng trưởng được dự định lên mức 8 - 9% đến năm 2030 nên vùng này rất nhiều tiềm năng trong những năm tới. “Ở khu vực này, chúng tôi đánh giá Nha Trang đã khá bão hòa, còn Phú Quốc, Phan Thiết vẫn rất nhiều tiềm năng. Hiện chúng tôi và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đang kiến nghị với Chính phủ, để định danh cho bất động sản nghỉ dưỡng. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã có rồi nhưng Luật Đất đai cần bổ sung để có tính pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này trong thời gian tới”, ông Lực cho hay.
Bên cạnh đó, cơ sở nghỉ dưỡng của Việt Nam tương đối sơ khai so với các nước nên dư địa phát triển lớn. Du lịch đã hoạt động mạnh mẽ, sôi động trở lại. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Bất động sản đô thị du lịch hiện là phân khúc đáng đầu tư. Dự đoán ngành bất động sản sẽ sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển, khi kinh tế đang phục hồi và vấn đề pháp lý sắp tới được tháo gỡ. Chị có thể cân nhắc đầu tư lĩnh vực này.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Reatimes, nhà báo Phạm Nguyễn Toan, triển vọng cả trong ngắn hạn và dài hạn thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn số 1. Bởi lẽ, ngoài những yếu tố thuận lợi chung của thị trường bất động sản thì với đà phục hồi mạnh mẽ và sự bùng nổ trở lại của du lịch giai đoạn 2022 - 2023 sẽ là bước đệm vững chắc cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trở thành “mỏ vàng” để khai thác và đầu tư với mức sinh lời hấp dẫn. Đặc biệt, các dự thảo sửa đổi Luật tới đây chắc chắn sẽ tháo gỡ những vướng mắc rất lớn về thủ tục đầu tư, quyền sở hữu và chuyển nhượng sản phẩm của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
“Theo quan sát của chúng tôi, xu hướng và dòng tiền đang đổ vào các thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới nổi và có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác, phát huy tối đa, như Phan Thiết (Bình Thuận) hay Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu)”, nhà báo Phạm Nguyễn Toan nói.
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan bổ sung thêm, không chỉ các nhà đầu tư phía Nam mà rất nhiều nhà đầu tư miền Bắc cũng đang hướng dòng tiền vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khu vực phía Nam để làm nơi định cư sinh sống, làm việc, vừa nghỉ dưỡng, khai thác kinh doanh. Bởi nơi đây có hạ tầng cao tốc, sân bay được đầu tư mạnh mẽ như: Tuyến cao tốc TP. HCM - Dầu Giây - Phan Thiết; sân bay Phan Thiết; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành… cùng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thuận lợi của địa phương. Đặc biệt, sự dịch chuyển kinh tế kéo theo sự dịch chuyển an cư khi một lượng doanh nghiệp SME, chuyên gia, lao động chất lượng cao, lao động tầm trung… đến kinh doanh, sinh sống, làm việc, phục vụ nhu cầu đa dạng của một đô thị kinh tế du lịch, từ đó hình thành cộng đồng thịnh vượng.
Khánh Yên