Trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo đại diện đa số doanh nghiệp thì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ. Số lượng lao động phải cho nghỉ việc ở mỗi doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 theo khu vực kinh tế được tính toán từ số liệu các doanh nghiệp có cung cấp thông tin. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu ý kiến: Nếu như số lao động trong ngành du lịch năm 2019  cả nước là 2,9 triệu người thì kể từ khi dịch Covid bùng phát đến nay, gần 90% đã nghỉ việc hoặc tạm thời ngừng làm việc.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, dịch Covid- 19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc tạm đóng cửa, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch.

Với thị trường bất động sản, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực này suốt gần hai năm qua. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại…

Mở rộng kênh mua sắm trực tuyến 

Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam trực thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, trước xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, công nghệ cũng là yếu tố gần như không thể thiếu để hội nhập và cạnh tranh. Đây là yếu tố có thể tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm của các doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh…

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng đã không ngừng nỗ lực giữ vững vị thế và mở rộng kênh mua sắm trực tuyến bằng giải pháp cam kết giá bình ổn và giao nhanh trong ngày; trong đó có ngành hàng thực phẩm, đồ uống.

Theo đó, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile  đã tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại kể từ trung tuần tháng 3 vừa qua. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn…) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được giao tới nhà.

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, toàn bộ hệ thống bán lẻ SATRA cũng đang tập trung thực hiện việc giao hàng nhanh chóng trong ngày để khách có thể sử dụng được ngay. Ông Lê Viết Sĩ, Giám đốc Trung tâm Thương mại Satra Củ Chi bày tỏ, trước đây đã từng có kênh bán hàng qua điện thoại và mạng xã hội nhưng chưa phát triển, khi dịch bệnh xuất hiện, để đảm bảo doanh số trong lúc người tiêu dùng ngại đến nơi công cộng nên tiếp tục đẩy mạnh việc bán hàng trong khu vực siêu thị tự chọn qua điện thoại và mạng xã hội. Chính vì vậy, đơn hàng của siêu thị tăng 3 - 4 lần, doanh số cũng tăng 30% so với ngày thường.

Theo ông Phan Bình, Giám đốc Marketing J&T Express Việt Nam, hiện nay, doanh nghiệp và người dân được khuyến khích đẩy mạnh kinh doanh, mua sắm online, qua thương mại điện tử. Từ đầu tháng 3 đến nay, tại J&T Express đã có hơn 2.000 người đăng kí mở tài khoản mới và vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Điều này chứng tỏ nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh.

Từ xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu của người dân hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nào còn khả năng chuyển đổi thì phải mạnh dạn chuyển đổi sang các sản phẩm mà xã hội đang cần, vừa duy trì hoạt động vừa tạo việc làm cho người lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh đã chuyển sang hỗ trợ trực tuyến cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh, mặc dù thay đổi hình thức tổ chức nhưng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, giới thiệu đối tác và tìm kiếm thị trường không có gì thay đổi. Theo đó, các nhân viên ITPC vẫn liên tục cập nhật thông tin sản phẩm, thị trường, ngành hàng thông qua cổng thông tin thương mại của thành phố và các tài khoản mạng xã hội chính thức của đơn vị.

Ông Shawn W.Tan, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam thông tin, sự chuyển dịch sang công nghệ số, hoạt động trên nền tảng số của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tăng nhanh trong năm 2020. Đỉnh cao là mức tăng 48% vào tháng 06/2020, sau đó giảm, chỉ còn tăng 11% vào tháng 10/2020. Hiện có 12% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, đã đầu tư vào chuyển đổi số, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn. Nhiều điều chỉnh về nền tảng số được các doanh nghiệp thực hiện như tiếp xúc trực tuyến, bán hàng trực tuyến… nhưng ở những công đoạn sau của hoạt động sản xuất kinh doanh phức tạp hơn thì vẫn chưa áp dụng.

Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng, đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

Hưng Phúc

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính