Hội thảo tham vấn “Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển chiếu sáng đô thị hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp cùng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng tổ chức tại TP. HCM sáng 6/9.
Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, các yếu tố mới, công nghệ mới đã tác động trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật về chiếu sáng đã ban hành. Và yêu cầu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26) là yếu tố quan trọng cần triển khai thực hiện.
Về thực trạng và chính sách, ông Vinh cho rằng, hiện nay ngân sách đầu tư cho chiếu sáng rất thấp, chỉ ở mức để thay thế khi hỏng hóc, duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng… Nên ngoài việc điều chỉnh quy định như Quyết định số 1874 về định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 thì vấn đề chiếu sáng thông minh, chiếu sáng xanh là hết thức cần thiết.
“Một vấn đề quan trọng nữa đang đặt ra đối với công tác phát triển chiếu sáng đô thị đó là phát triển chiếu sáng thông minh, góp phần vào hệ thống hạ tầng của đô thị thông minh theo yêu cầu đặt ra ở thời đại hiện nay. Trong bối cảnh trên, để đáp ứng các thay đổi, các yêu cầu mới đặt ra thì việc điều chỉnh quy định đã được ban hành từ gần 15 năm qua đối với công tác phát triển chiếu sáng đô thị là hết sức cần thiết”, ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.
Phát biểu trực tuyến, bà Hyungjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp, Chủ nhiệm dự án của Ngân hàng ADB cho rằng, Việt Nam đang có quá trình đô thị hóa nhanh nên có nhu cầu chiếu sáng rất cao.
Qua nghiên cứu, giai đoạn 2026 – 2030, Việt Nam cần 166.000 tỷ đồng, tương đương 6,6 tỷ USD để nâng cấp, đầu tư mới hệ thống chiếu sáng. Ngoài nguồn đầu tư công thì Việt Nam có thể huy động nguồn vốn ODA, thu hút đầu tư tư nhân, thông qua các công ty dịch vụ năng lượng.
Dựa vào kinh nghiệm đã triển khai các quốc gia khác, bà Hyungjung Lee cho biết, Ngân hàng ADB sẵn sàng hỗ trợ và tin tưởng Việt Nam có thể triển khai thành công các mục tiêu, định hướng chiếu sáng đô thị hiện đại:
“Cơ sở hạ tầng về chiếu sáng đô thị tại Việt Nam đã cũ và không hiệu quả. Hiện Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị thông minh dựa vào hệ thống chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng. Nhờ hệ thống này có thể giúp chúng ta đạt tiêu chuẩn, yêu cầu, các mục tiêu về sử dụng năng lượng bền vững, giảm biến đổi khí hậu và phát thải nhà kính”, bà Hyungjung Lee cho biết
Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) năm 2023, đa số các tuyến đường tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III, IV của nước ta có tỷ lệ chiều dài được chiếu sáng cao do hệ thống đã cơ bản hoàn chỉnh; còn ở nhiều đô thị loại V, vùng sâu vùng xa còn chưa hoàn thiện.
Tỷ lệ đường phố được chiếu sáng bằng đèn hiệu suất cao, đèn led còn ở mức thấp, nhất là ở hai đô thị đặc biệt TP. HCM và Hà Nội, mới chỉ khoảng 30%.
PV/VOV.vn