LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…
Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế… nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bạn đọc trong nhiều năm qua.
Sở hữu 50 chi nhánh cửa hàng mẹ và bé khắp các tỉnh thành Việt Nam, Hệ thống TutiCare luôn khẳng định là nơi hội tụ những thương hiệu uy tín, sản phẩm chính hãng hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Các sản phẩm tại TutiCare đều được kiểm tra chặt chẽ từ xuất xứ đến chất lượng. Tuy nhiên, “mục sở thị” tại 4 cơ sở Hà Nội, phát hiện một số sản phẩm hàng hóa nước ngoài chưa được dán tem nhãn phụ, tem chống giả gây khó khăn cho người tiêu dùng lựa chọn.
Trên website chính thức tuticare.com này cũng quảng cáo thêm: “Với hơn 10 năm kinh nghiệm, chúng tôi hiểu các bậc cha mẹ cần gì nhất cho thiên thần nhỏ của mình. Hơn 2 triệu khách hàng đã ủng hộ, tin tưởng và đồng hành cùng TutiCare trong suốt thời gian qua. Chúng tôi cam kết cung cấp các sản phẩm chính hãng 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Ngoài ra, Tuticare còn giới thiệu mình là hệ thống siêu thị mẹ và bé uy tín hàng đầu cung cấp trọn gói các sản phẩm cho mẹ bầu và sơ sinh chính hãng với giá tốt nhất. Các sản phẩm tại Tuticare đều được kiểm tra chặt chẽ từ xuất xứ đến chất lượng.
Bày bán một số sản phẩm nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt
Tại các cửa hàng mẹ và bé Tuticare có bày bán các sản phẩm như bỉm, sữa, quần áo cho bé, bình sữa, núm ti, kem bôi da, nước muối biển sâu, tinh dầu, đồ ăn dặm cho bé, gia vị nấu ăn cho bé, đồ chơi cho bé, thìa cho bé, dụng cụ hút mũi, thực phẩm chức năng cho mẹ và bé…
“Mục sở thị” tại 4 cửa hàng thuộc chuỗi hệ thống thương hiệu Tuticare tại Hà Nội số 40 Nguyễn Phong Sắc, 92A Nguyễn Chí Thanh, 56A Ngọc Khánh, 302 Xã Đàn, phóng viên nhận thấy tại đầy bày bán một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam như quần áo cho bé, tinh dầu xông phòng, sách vải; nhiều mặt hàng nhập khẩu nước ngoài như bỉm, sữa, thực phẩm chức năng, đồ ăn dặm, bình sữa… có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định với các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, chất liệu, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản, lưu ý, đơn vị nhập khẩu và phân phối…
Tuy nhiên, qua khảo sát, phóng viên nhận thấy tại các cửa hàng Tuticare có bày bán một số mặt hàng toàn chữ nước ngoài mà không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, tập trung vào các sản phẩm là kem bôi da, kem hăm, chống muỗi, tinh dầu sả, cốc uống nước... Điều này một mặt gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm như cách sử dụng, cách bảo quản, đơn vị nhập khẩu, ngày sản xuất, hạn sử dụng… khi đối tượng sử dụng của các sản phẩm này là mẹ bầu, mẹ sau sinh và trẻ em; mặt khác, điều này là vi phạm quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hoá.
Tại cửa hàng số 40 Nguyễn Phong Sắc, phóng viên ghi nhận có một số mặt hàng như kem hăm Sudocream, kem buôi chống muỗi, kem bôi da Lucas, Soft Creme, bình uống nước, gói ăn dặm 100% chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định pháp luật.
Tiếp tục tại cửa hàng 92A Nguyễn Phong Sắc, phóng viên cũng thấy tình trạng tương tự, một số sản phẩm như phía trên hoàn toàn 100% chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt. Ngoài ra còn có núm ti, dụng cụ hút mũi, thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D3 cho bé…
“Mục sở thị” tạicửa hàng Tuticare 56A Ngọc Khánh, phóng viên tiếp tục ghi nhận tình trạng tương tự, ngoài một số sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt như trên, còn các sản phẩm khác cũng toàn chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ theo quy định, như nước muối sinh lý, túi đá khô Unimom, tinh dầu sả, núm ti Lanshinoh, thực phẩm chức năng Ostelin bổ sung D3 cho bé, Pregnacare cho mẹ sau sinh…
Tại cửa hàng Tuticare 302 Xã Đàn, tình trạng tương tự cũng xuất hiện. Nhiều sản phẩm không tem nhãn phụ Tiếng Việt được phóng viên ghi nhận trên các sản phẩm như kem bôi hăm chobes Bepanthen, thực phẩm chức năng Pregnacare cho mẹ sau sinh, bình nước cho bé Upass, nước muối cho bé Sterimar, sữa tắm Skina babe, tất cho bé…
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Nhân viên nói: “Hàng xách tay”?
Tại cửa hàng 92 Nguyễn Chí Thanh, nhận thấy sản phẩm kem dưỡng da Dexeryl không có tem nhãn Tiếng Việt, phóng viên phải hỏi nhân viên cách sử dụng thế nào. Nhân viên cho biết: “Kem bôi cả người cả mặt đều được, ngày bôi mấy lần cũng được, nó không phải thuốc, cứ vệ sinh da khô xong bôi”. phóng viên tiếp tục thắc mắc về sản phẩm không có tem nhãn Tiếng Việt, nhân viên tại đây cho biết: “Đấy là hàng đi air, nó không phải nhập khẩu chính ngạch nên không có tem Tiếng Việt”.
Tại cửa hàng 302 Xã Đàn, nhận thấy sản phẩm Pregnacare không có tem nhãn Tiếng Việt. phóng viên hỏi đây là hàng nước nào thì nhân viên cho biết của Anh. Nhân viên tại đây cũng nói thêm: “Vitamin thì bọn em có một số hàng nhập khẩu, một số hàng xách tay”.
Như vậy, với câu trả lời của nhân viên, những hàng hoá không có tem nhãn phụ Tiếng Việt tại đây hàng hoá xách tay. Có nghĩa là, tại chuỗi cửa hàng của Tuticare, bên cạnh hàng hoá có tem nhãn phụ Tiếng Việt là hàng nhập khẩu chính ngạch, còn đang bày bán cả hàng hoá xách tay.
Trong khi đó, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì từ ngày 15/10/2020, cá nhân kinh doanh hàng xách tay, hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá. mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo Luật sư Nguyễn Tấn Khoa - Trưởng phòng Xử lý vi phạm của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh: “Dưới góc độ pháp lý, không có khái niệm "hàng xách tay". Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những hàng hóa được sản xuất, phân phối ở nước ngoài và được những người đi du lịch, công tác vận chuyển trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam dưới hình thức xách tay. Thông thường, các loại hàng xách tay này không được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra nên chất lượng hàng hoá không được giám sát nên không thông qua thủ tục hải quan, không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…Hay nói cách khác, kinh doanh hàng xách tay chính là kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu”.
Như vậy, có thể hiểu hàng hóa xách tay là hàng hóa chưa được cơ quan quản lý kiểm tra các thủ tục theo quy định để được bày bán hợp pháp tại thị trường Việt Nam, điều này khiến người tiêu dùng lo ngại về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…
Thực tế, một số sản phẩm đang bày bán tại Tuticare chỉ có chữ nước ngoài, không thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo như quy định. Việc này khiến người tiêu dùng không có thông tin khi tìm hiểu về sản phẩm, vừa vi phạm quy định của pháp luật, vừa khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của những sản phẩm này? Liệu có đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo kinh doanh minh bạch hay không?
Rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thị trường minh bạch.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề hàng hóa nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt tại hệ thống cửa hàng Tuticare trong bài viết tiếp theo!
Trúc Mai – Hồng Nhung