LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…
Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế Nhà nước… nên luôn nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nhiều năm qua.
Liên quan tới công tác phòng, chống gian lận thương mại thời gian vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của hàng hóa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu & Công luận, việc chấp hành các quy định pháp luật về nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa tại một số cửa hàng, siêu thị chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Cam kết mang đến những sản phẩm giáo dục chất lượng nhất…
Theo lời giới thiệu, Hệ thống Nhà sách Tràn An thuộc Công ty Cổ phần Sách và Thiết Bị Giáo Dục Tràng An thành lập năm 1999. Là một trong những công ty cung ứng ngành giáo dục với các sản phẩm phong phú và đa dạng, đi đầu trong việc đổi mới phương thức phục vụ văn minh, lịch sự là bán hàng tự chọn.
Với phương châm luôn luôn đổi mới và phát triển chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện mô hình bán lẻ với các mặt hàng phong phú, đa dạng để đáp ứng nhu cầu đọc, học cho học sinh và phụ huynh. Nhà sách thực sự trở thành một siêu thị kinh doanh văn hóa phẩm với 50% là sách cùng với việc đang phân phối mã sản phẩm bao gồm: dụng cụ học tập, văn phòng phẩm, đồ chơi và lưu niệm.
"Chúng tôi cam kết mang đến người tiêu dùng những sản phẩm giáo dục chất lượng nhất. Với đội ngũ nhân viên có trình độ và được đào tạo chuyên môn ngành nghề. Chúng tôi nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà sách Tràng An trở thành điểm sáng văn hóa, nhà sách văn minh hiện đại giữa lòng thủ đô Hà Nội".
Sau 15 năm hoạt động Nhà sách ngày càng lớn mạnh hơn với nhiều nhà sách mới được mở ra. Năm 2014 khu vui chơi giải trí cho trẻ em đầu tiên được mở trong khuôn viên Nhà sách một lần nữa khẳng định chất lượng phục vụ luôn là ưu tiên số 1 trong định hướng kinh doanh của công ty. Năm 2015 xây dựng thêm thư viện trong tổ hợp nhà sách. Đến với Nhà sách Tràng An luôn là sự lựa chọn đầu tiên của rất nhiều khách hàng khu vực gần xa. Ngoài việc lựa chọn được rất nhiều loại sách, văn phòng phẩm, đồ dùng học tập, quà tặng, các “thượng đế nhí” còn có không gian vui chơi, đọc sách, tô tượng, vẽ tranh sáng tạo, nhà sách thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em mỗi dịp nghỉ hè.
Cùng với sự phát triển của các nhà sách, hàng năm chúng tôi còn tham gia các hội chợ sách có quy mô lớn mang sản phẩm của mình phục vụ người tiêu dùng một cách tích cực hơn.
Hiện tại Công ty đã xây dựng được 4 Nhà sách tại: Số 304 Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội; Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội; CT36B, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội; Số 219 Phố Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.
…nhưng lại bán hàng không tem nhãn phụ, không rõ nguồn gốc
Qua nắm bắt thông tin phần lớn các sản phẩm của Nhà sách Tràng An được bày bán đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên qua thông tin của người tiêu dùng về việc Nhà sách Tràng An hiện đang bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt cũng như đơn vị nhập khẩu, phân phối… theo đúng quy định của pháp luật. Điều này khiến người tiêu dùng khó tiếp cận thông tin về chất lượng của những sản phẩm trên.
Để xác thực thông tin, phóng viên đã mục sở thị Nhà sách Tràng An số 304 Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội. Tại thời điểm phóng viên khảo sát (ngày 5/4/2023) ghi nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng là có cơ sở.
Theo ghi nhận tại các gian hàng bày bán các sản phẩm màu tô, đồ chơi, đồ gia dụng, dụng cụ học tập…được in “chi chít” chữ nước ngoàinhưng có nhiều sản phẩm không được dán nhãn phụ nhằm thể hiện những thông tin cần thiết bằng Tiếng Việt về thành phần, tính năng, cách sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và đặc biệt là nguy cơ cảnh báo của sản phẩm.
Với việc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về xuất xứ sản phẩm, thời hạn sản xuất, hạn sử dụng, các thành phần của sản phẩm… Đồng thời điều đó làm gia tăng nguy cơ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng.
Hơn nữa, đối tượng chính của nhà sách là các em học sinh, việc bày bán hàng hoá nước ngoài không có bất kỳ một thông tin nào bằng tiếng Việt (duy chỉ dán đúng mẩu giấy ghi giá tiền bao nhiêu), mà nếu không hỏi nhân viên bán hàng thì cũng không biết sản phẩm đó là sản phẩm gì, công dụng ra sao, cách sử dụng như thế nào?… khi xảy ra việc ngoài ý muốn hay gây nguy hại đến sức khoẻ của các em thì ai, đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?
Một số sản phẩm 100% tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định:
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Theo QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
Đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, tại Nhà sách Tràng An 304 Văn Chương lại toàn “không” ngoài các dòng chữ bằng tiếng nước ngoài:
Ngay cả những đồ chơi thiên về học tập, sáng tạo cho các bé nhưng cũng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt để hướng dẫn cũng như cảnh báo lứa tuổi phù hợp? Chỉ có duy nhất tên sản phẩm và số tiền dán trên bao bì.
Tại gian hàng đồ gia dụng, phụ kiện cũng không ngoại lệ với đủ các sản phẩm chỉ có chữ nước ngoài, tìm không thấy thông tin tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo đúng quy định pháp luật.
Với việc kinh doanh nhiều mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, không những vi phạm các quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động kinh doanh, mặt khác câu hỏi về nguồn gốc, chất lượng các sản phẩm tại Nhà sách Tràng An 304 Văn Chương cũng đang được người tiêu dùng hết sức quan tâm.
Câu hỏi đặt ra, người sử dụng, đặc biệt là các em học sinh sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng "dỏm", hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?...
Pháp luật đã quy định rõ
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.
Để đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đề nghị, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của Nhà sách Tràng An 304 Văn Chương cùng toàn hệ thống nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về Nhà sách Tràng An (Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội); Nhà sách Tràng An (CT36B, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội); Nhà sách Tràng An (số 219 Phố Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội)./.
Minh Đức