Phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu đang trở thành vấn đề nhức nhối với những con số đáng báo động. Trong đó số lượng phụ tùng xe máy giả bị xử lý phần lớn phụ tùng này là nhập lậu, một số ít là phụ tùng gắn nhãn hiệu giả sản xuất trong nước. Tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đưa ra thị trường tiêu thụ rất phổ biến tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng...
Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, những dòng xe nhái, giả nhãn hiệu có đặc điểm giá thành thấp hơn hàng thật nhưng không có tiêu chuẩn hợp quy do Cục đăng kiểm cấp, do đó có khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng khi lưu hành. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với mũ bảo hiểm và dầu nhớt giả. Còn các loại phụ tùng thay thế không chính hãng có chất lượng kém cũng đe dọa đến chất lượng chung của phương tiện và sự an toàn của người điều khiển phương tiện đó.
Các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như hệ thống phanh, má phanh, khung xe, lốp, hệ thống truyền động, bộ lọc dầu, pit tông...thường lại là đối tượng bị làm giả nhiều nhất. Do đó, thực tế trong những năm vừa qua đã xảy ra khá nhiều trường hợp tai nạn do phụ tùng nhái gây ra: cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp…gây tổn thất to lớn cho người dùng cũng như toàn xã hội. Bản thân các nhà sản xuất chính hãng cũng thiệt hại không nhỏ cả về giảm sút lợi nhuận kinh doanh cũng như uy tín.
Trong khi đó, do đặc thù các phương tiện cần phải sửa chữa, bảo dưỡng luôn rất lớn ở mọi thời điểm do xe máy, xe điện vẫn là phương tiện giao thông chính tại thị trường hơn 90 triệu dân như nước ta nên đây là mảng đem lại siêu lợi nhuận cho các đối tượng nhập khẩu, sản xuất và buôn bán phụ tùng giả mạo nhãn hiệu. Do đó, bất chấp mọi nguy cơ tiềm ẩn, các đối tượng này tìm đủ mọi phương thức, thủ đoạn để thực hiện các hành vi vi phạm.
Lời khuyên hữu ích dành cho người sử dụng xe máy chính là nên đến các đại lý bảo hành sửa chữa chính hãng hoặc cửa hàng uy tín khi có nhu cầu, tránh vừa mất tiền sửa chữa vừa rước họa vào thân. Khi đem xe đi sửa, nên chú ý đến các thao tác của người thợ sửa xe và yêu cầu cho kiểm tra trước khi thay thế cùng với phiếu bảo hành để có cơ sở khiếu kiện khi có vấn đề. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không nên phó mặc cho thợ sửa xe hoặc các cửa hàng mà cần phải tự kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của phụ tùng, linh kiện.
Hà Trần