Báo cáo liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), rau quả Việt Nam hiện cung cấp đồng thời cho thị trường nội địa và XK, trong đó có các thị trường “khó tính” như EU, Nhật Bản...
Trong tương lai, ngành rau quả Việt Nam được đánh giá rất có triển vọng, do nhu cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế đều rất lạc quan. Rau quả Việt Nam đang cải thiện quy trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tăng khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc...). Đây là các thị trường không chỉ có giá trị gia tăng cao, mà sẽ là tiền đề để rau quả Việt nam dễ dàng tiếp cận các thị trường có yêu cầu thấp hơn.
EVFTA và IPA: Hai hiệp định mới, chất lượng cao
Khi tham gia 2 hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo vệ đầu tư (IPA), EU cam kết mở rộng cửa cho XK ngành nông nghiệp Việt Nam, như xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả; cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải. Ngành phân phối và viễn thông Việt Nam sẽ tiếp cận nguồn hàng từ EU với giá rẻ hơn, thủ tục thuận lợi hơn (tận dụng các cam kết ưu đãi thuế quan, tạo thuận lợi thương mại…), thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Chúng ta nhìn vào cơ cấu hàng XK, thị trường châu Âu phù hợp với nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, dù trong dệt may hay da giày, thì dung lượng, tính chất của thị trường châu Âu đều rất phù hợp và quan trọng - để Việt Nam có thể hình thành chuỗi giá trị...
Lĩnh vực nông sản, thủy sản mang lại lợi ích lớn cho người nông dân và cho đất nước. Chúng ta cũng có thể nâng cao chất lượng bằng những chuỗi giá trị gia tăng này”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc chia sẻ: “Hai Hiệp định, mang lại nhiều lợi ích cho các bên, nhất là DN. Chúng ta có cơ hội tiếp cận thị trường lớn với hàng trăm triệu dân, EU là thị trường có nhu cầu cao. Như vậy, chính DN Việt Nam, khi vươn ra toàn cầu, cần phải quan tâm đầu tư, tự trưởng thành hơn. Trong môi trường đó, DN Việt Nam có thể quốc tế hóa - nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khi DN Việt Nam có thể thâm nhập thị trường châu Âu thì ngược lại, DN châu Âu cũng vào thị trường Việt Nam, hàng hóa của họ hiện diện ngay trên “sân nhà” (Việt Nam)...”.
Tuy nhiên, khi Hiệp định có hiệu lực, đồng nghĩa Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong mọi lĩnh vực.
Theo báo cáo nội dung Hiệp định EVFTA, hiện nay, về số lượng DN, thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 180 DN sản xuất dược phẩm (cả nội địa và FDI).
Các DN dược Việt, chủ yếu là dạng bào chế đơn giản; mỗi năm ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại (80 - 90% dược liệu sử dụng có nguồn gốc NK từ Trung Quốc và Ấn Độ). Khi hiệp định có hiệu lực, nhiều DN dược nước ngoài vào Việt Nam, vừa mang tính cạnh tranh cao, NTD Việt cũng được sử dụng những loại thuốc mới và mang tính đột phá.
Về vấn đề dịch vụ môi trường, các DN EU có bề dày kinh nghiệm, công nghệ cao khiến thị trường trở nên cạnh tranh hơn, gây sức ép không nhỏ đối với nhiều DN. Khi đó, các DN trong nước sẽ phải chia sẻ thị phần của mình, hoặc chấp nhận đào thải, do hoạt động kém hiệu quả. Năng lực cạnh tranh từ các DN dịch vụ môi trường trong nước cũng là một thách thức không nhỏ. Các DN cần tìm kiếm nguồn huy động vốn, nâng cao công nghệ, năng lực của mình, học hỏi các DN nước ngoài và chú trọng phát triển nguồn nhân lực để không bị đào thải.
Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu Nicolas Audier - nêu: “Chúng tôi mong muốn, EU tăng cường đầu tư tại Việt Nam, nhờ 2 hiệp định này, châu Âu sẽ đầu từ vào Việt Nam nhiều hơn, dễ dàng hơn. Nhưng đây là một lộ trình dài thực hiện khi hiệp định đi vào thực thi và những tiêu chuẩn yêu cầu luôn phải cao hơn, đảm bảo người dân của chúng tôi được sử dụng những thứ tốt nhất. Để XK hàng hóa vào EU, DN Việt cần phải nỗ lực hơn nữa - thực hiện đúng các tiêu chuẩn quốc tế”.
Trong khi đó, ông Lộc nhấn mạnh: “Thách thức mà Việt Nam gặp phải là đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ, quan trọng bây giờ phải nhập được nguyên liệu từ Liên minh châu Âu, họ luôn đòi hỏi chất lượng cao mọi lĩnh vực. DN Việt cần nỗ lực hơn và sẽ được Chính phủ hỗ trợ về mặt chính sách để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu đề ra”.
Trang Nguyễn