Từ năm 2015 đến nay có 18 nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Chương trình), tập trung vào ứng dụng các công nghệ mới (công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin) trên các đối tượng cây con chủ lực, tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 khoảng 94 tỷ đồng, vốn huy động từ nguồn ngoài ngân sách để triển khai nhiệm vụ đạt trên 193 tỷ đồng. Thông qua việc thực hiện dự án và sự hỗ trợ một phần kinh phí của nhà nước, các doanh nghiệp đã chủ động huy động nguồn vốn của doanh nghiệp để ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong từng khâu của quá trình sản xuất, chủ động nhập khẩu công nghệ trong chế biến bảo quản nông sản, hình thành chuỗi liên kết với hộ nông dân để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều dự án đã tạo sự lan toả trong tỉnh, trong vùng.
Kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình đã tạo ra được 21 tiến bộ kỹ thuật và nhiều quy trình công nghệ đã được ứng dụng, chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất. Tham gia Chương trình, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.
Về lĩnh vực trồng trọt: Quy trình xử lý hơi nước nóng trừ ruồi đục quả vú sữa giúp mở rộng thị trường xuất khẩu vú sữa đến các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật, New zealand; quy trình công nghệ nhân giống, sản xuất dâu tây giúp giảm giá thành và thay thế sản phẩm quả dâu tây nhập khẩu phục vụ nội tiêu; các quy trình quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến giúp nông dân giảm giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa tại vùng bán đảo Cà Mau; quy trình sản xuất giống dưa lưới, dưa chuột, xà lách, hoa cúc ứng dụng công nghệ bán tự động trong nhà màng; quy trình sản xuất dưa lưới, dưa leo, xà lách ứng dụng công nghệ tự động và bán tự động tại Đắk Lắk và Đắk Nông; quy trình công nghệ nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp quy mô công nghiệp, quy trình sản xuất mía ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân tự động; quy trình nhân giống măng tây; quy trình công nghệ canh tác và thu hái măng tây ứng dụng công nghệ cao, quy trình nhân giống cây ăn quả có múi sạch bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm rau quả. Ở quy mô sản xuất thử, đã sản xuất và tiêu thụ trên 175 tấn giống lúa chất lượng cao cấp xác nhận; sản xuất và tiêu thụ trên 1,58 triệu cây giống dâu tây sạch bệnh; sản xuất và tiêu thụ trên 10 triệu cây keo lai bạch đàn lai ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô; sản xuất và tiêu thụ trên 4 triệu cây giống hoa cúc, trên 2,4 triệu cây giống xà lách, trên 258 ngàn cây giống dưa lưới, trên 166 ngàn cây giống dưa chuột; sản xuất 140.000 cây giống măng tây xanh đủ tiêu chuẩn xuất vườn với giá thành giảm ≥ 50%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến sản xuất trên 120.000 cây giống cây ăn quả có múi sạch bệnh để cung cấp cho sản xuất. Quy trình tạo được 2 giống ngô mới bằng công nghệ đơn bội kép (giống ngô thịnh vượng 9999, giống ngô VS89 đã được chuyển nhượng bản quyền cho doanh nghiệp), sản xuất trên 90 ha giống mới để mở rộng sản xuất.
Về lĩnh vực lâm nghiệp: Quy trình nhân giống keo lai bạch đàn lai đạt quy mô 3 triệu cây/năm;
Về lĩnh vực chăn nuôi: Quy trình công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân ly giới tính đạt tỷ lệ thụ thai 47% đối với tinh nhập khẩu đông lạnh, 44% với tinh đông lạnh tự sản xuất, 52% đối với tinh tươi, quy trình công nghệ tạo phôi phân ly giới tính; sản xuất 2000 phôi phân ly giới tính, 600 bê sinh ra từ phôi phân ly giới tính, chất lượng tương đương phôi nhập khẩu, giá bán thấp hơn phôi nhập khẩu ít nhất 15%; chọn tạo được 100 nái và 10 đực của 02 dòng nái thuần yorshire và landrace với số con sơ sinh sống trên ổ ≥ 12,5 và số con cai sữa ≥ 27 con/nái/năm, chọn tạo được 50 nái và 10 đực dòng thuần duroc có tốc độ sinh trưởng giai đoạn 30-100kg≥1000g/ngày, đã phối được 100 nái giữa yorkshire và landrace.
Về lĩnh vực thủy sản: Quy trình công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano UFB trên tàu câu tay, chuyển giao ứng dụng công nghệ UFB trên 09 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, nâng cao giá trị cá ngừ Việt Nam; quy trình công nghệ nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng hai cấp kết hợp biofloc: năng suất ≥ 100 tấn/ha/năm; FCR ≤ 1,0; tỷ lệ sống ≥ 80%; quy trình công nghệ nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ Micro-nano Bubble Oxygen, tỷ lệ sống tăng ≥10%, FCR giảm 15%, giá thành sản xuất giảm ít nhất 10%; sản xuất 800 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm ứng dụng công nghệ nuôi đa cấp kết hợp công nghệ biofloc, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ Micro- nano Bubble Oxygen sản xuất 220,57 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và 60,4 tấn con giống cá tra.
Về bảo quản chế biến: Thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ rấm chín chuối bằng khí ethylene, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, cảm quan và an toàn thực phẩm, độ chín kỹ thuật > 97%, thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất puree chuối ứng dụng trên dây chuyền thiết bị đồng bộ, năng suất 3,0 tấn nguyên liệu/giờ; sản xuất trên 500 tấn puree chuối đáp ứng tiêu chuẩn EU.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lồng ghép thực hiện nhiệm vụ tạo và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thuỷ sản, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến, Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước và một số nhiệm vụ cấp Bộ nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp.
Minh Anh