Các doanh nghiệp, làng nghề cần hướng tới nhu cầu của thị trường châu Âu. Phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, một hướng đi tất yếu rất cần để các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mặt tại EU...
ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Thích nghi để tiếp cận cơ hội
Sau rất nhiều nỗ lực của các bên, Hiệp định EVFTA cũng đã đạt được những kết quả như mong muốn. Như vậy, với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực trong thời gian tới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai có hiệp định thương mại với EU sau Singapore.
Với tính chất của một hiệp định tự do thế hệ mới, có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa. EVFTA hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm làng nghề nói chung và hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng được đánh giá sẽ rộng cửa tiến sâu vào thị trường EU khi hiệp định chính thức được thực thi.
Theo Bộ Công Thương, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vào EU hiện còn rất hạn chế, tại Đức mới có khoảng 8%, tại Pháp là 7%,... Do đó, tiềm năng xuất khẩu hàng hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào thị trường EU là rất lớn.
Song bên cạnh những cơ hội mang lại cho các làng nghề Việt Nam thì để phát triển hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, các làng nghề cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, đòi hỏi các làng nghề phải nỗ lực thích ứng để tận dụng cơ hội.
Bên cạnh những vấn đề lớn như sự hạn chế trong các hoạt động xúc tiến thương mại, ý tưởng thiết kế; các vấn đề như sở hữu trí tuệ, môi trường làng nghề, lao động, cũng đang là những thách thức lớn. Bởi lẽ quỹ đất của doanh nghiệp có hạn, các cơ sở nhỏ lẻ thường lấy chính nhà ở làm nơi sản xuất, kinh doanh. Nhiều địa phương chưa có các khu cụm, công nghiệp tập trung, điều này sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về mặt môi trường - một trong những quy định được đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Một yếu tố tiên quyết đặt ra, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp, làng nghề cần hướng tới nhu cầu của thị trường châu Âu. Đó là sản phẩm thân thiện môi trường, một hướng đi tất yếu rất cần để các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mặt tại EU.
Với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề Hà Nội, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, muốn tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức phải hướng tới sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với tiêu dùng trách nhiệm của thị trường EU. Phát triển du lịch làng nghề - nơi mà khách du lịch EU đến để trải nghiệm và cảm nhận văn hóa cũng là giải pháp rất quan trọng. Đây sẽ là cầu kết nối thông tin thương mại quan trọng với các doanh nghiệp tại thị trường này.
Bệ phóng mới
Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Điều này giúp làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Đây sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề thâm nhập vào các thị trường khác.
Hà Nội nổi tiếng là vùng đất “trăm nghề” với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc. Các làng nghề tại hà Nội hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận.
Ước tính, khu vực làng nghề của Hà Nội tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động; giá trị sản xuất đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế; trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đây chính là cơ sở tiềm năng lựa chọn sản phẩm để hoàn thiện, đánh giá phân hạng và dự thi sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối với thành phố Hà Nội.
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ tìm đến các nước sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhiều hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Hà Nội và cả nước tiếp cận thị trường nhanh hơn, số lượng nhiều hơn.
Không dừng lại ở đó, các nhà nhập khẩu vào Việt Nam sẽ mang theo ý tưởng thiết kế, quy trình sản xuất của nước ngoài để đặt hàng doanh nghiệp trong nước. “Tôi cho rằng, đây là những cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp làng nghề phát triển dòng sản phẩm phù hợp thị trường xuất khẩu”, bà Vinh khẳng định.
Thiết nghĩ, chuẩn bị tâm thế đón cơ hội và hóa giải thách thức trong tiến trình hội nhập cùng với sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước là yếu tố quan trọng giúp kiến tạo sức sống mới cho làng nghề, đem đến diện mạo mới, sức sống mới cho làng nghề trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng với thế giới.
Hiệp định EVFTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm không ít thách thức. Châu Âu là thị trường kỹ tính, do vậy, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tới thị trường này, yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác… đồng nghĩa với các doanh nghiệp làng nghề phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng các yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
Hà Trần