Thuế quan sẽ làm tăng giá tiêu dùng tại Mỹ

Phòng nghiên cứu Ngân sách Yale hôm thứ Ba đã tính toán, một động thái hướng tới thuế quan toàn diện thực sự sẽ làm tăng lạm phát hơn 2% và - giả sử không có biện pháp ứng phó từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - làm giảm sức mua từ 3.400 đến 4.200 USD đối với mỗi hộ gia đình.

Tổng thống Trump giơ tấm bảng mức thuế các nước đang áp với Mỹ và thuế đối ứng - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Trump giơ tấm bảng mức thuế các nước đang áp với Mỹ và thuế đối ứng. Ảnh Reuters.

Các nhà nghiên cứu nói thêm, thuế quan 20%, nếu được cộng vào thuế quan hiện hành, sẽ khiến tỷ lệ thuế quan hiệu quả trung bình của Hoa Kỳ cao nhất kể từ năm 1872, ở mức 32,8%.

Một ước tính trước đó từ Quỹ Thuế cũng đã đặt chi phí tăng thêm ở mức hàng nghìn USD đối với các hộ gia đình, và nhận thấy, thuế quan toàn diện 20% sẽ đại diện cho mức tăng thuế trung bình đối với các hộ gia đình Mỹ là 2.045 USD.

Ngay cả các nghiên cứu từ các nhóm ủng hộ ông Trump - chẳng hạn như một nghiên cứu được công bố trong chiến dịch năm 2024 bởi một nhóm có tên là Liên minh Vì một nước Mỹ thịnh vượng - cũng thừa nhận, thuế quan sẽ làm tăng giá tiêu dùng.

Cho đến nay, có những dấu hiệu từ các phương tiện truyền thông cho thấy thuế quan 20% đang được nhóm của ông Trump xem xét, bao gồm một bài báo đăng tải hôm thứ Ba từ tờ Washington Post, trong đó nêu chi tiết những diễn biến mới nhất.

Hôm Chủ nhật, cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của Nhà Trắng, Peter Navarro, thuế quan trong thời kỳ Trump 2.0 có thể bổ sung khoảng 700 tỷ USD mỗi năm vào ngân khố Mỹ - kết hợp 100 tỷ USD từ thuế quan ô tô 25% mới được công bố với 600 tỷ USD từ các loại thuế khác.

Một con số tổng thể đầy tham vọng như vậy không thể đạt được nếu không có một loạt các loại thuế. Thuế quan toàn diện 20%, một trong những lựa chọn để tăng thu ngân sách cho đến nay, được ước tính chỉ giúp tăng khoảng một nửa số tiền mà Navarro đưa ra, giả sử các quốc gia khác trả đũa.

Mức thuế quan toàn diện 20% sẽ là bước ngoặt lớn của Tổng thống Donald Trump, quay lại thực thi những lời hứa tranh cử táo bạo về quản lý kinh tế Mỹ.

Ảnh internet.
Chính sách thuế quan Mỹ: Lợi ích chính trị, rủi ro kinh tế và bài toán cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt. Ảnh internet.

Nó cũng có thể được xem như thừa nhận, cam kết “họ làm gì với ta, ta làm lại với họ” của ông khó thực hiện khi các cảng đã quá tải và các nhóm cử tri chính trị liên tục đòi hỏi ngoại lệ trong nhiều tháng qua.

Dù thế nào, thuế quan bao quát sẽ dễ triển khai hơn và có thể không làm tăng đáng kể Biểu thuế Hài hòa của Hoa Kỳ - một tài liệu gồm 99 chương vốn đã quá tải mà các nhân viên thuế và nhà nhập khẩu sử dụng tại cảng.

Nếu ông Trump tiến hành áp thuế toàn diện, điều này cũng có thể giảm bớt áp lực chính trị bằng cách hạn chế cơ hội "xin ngoại lệ".

Garrett Watson, giám đốc phân tích chính sách tại Quỹ Thuế, từng nói với Yahoo Finance rằng việc áp thuế tương ứng theo từng quốc gia mang lại rủi ro chính trị, điều mà đội ngũ cố vấn của ông Trump có thể đang cân nhắc hiện nay.

Ông Garrett Watson cho rằng việc "chọn lọc thuế quan" có nguy cơ tạo ra sự phức tạp chính trị… làm tình hình trở nên bất định, và tạo ra "kẻ thắng người thua" về mặt chính trị.

Tổng thống Trump từ chối cung cấp chi tiết kế hoạch. Khi được hỏi về việc áp thuế toàn diện hay riêng lẻ, ông nói: “Bạn sẽ thấy trong ít ngày nữa”, nhưng không tiết lộ thêm.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn nâng cao mức độ rủi ro. Ngoài việc liên tục gọi thứ Tư này là “Ngày Giải phóng”, ông nói đang cân nhắc kế hoạch áp thuế mà ông tin là “sự tái sinh của đất nước”.

Bài toán cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt

Khi Mỹ dựng hàng rào thuế quan cao, các mặt hàng sản xuất và xuất khẩu Việt Nam sẽ phải tăng giá bán, làm giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, theo chuyên gia, áp lực cạnh tranh cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt nhìn lại và tối ưu sản phẩm, tối ưu các chuỗi cung ứng và quá trình sản xuất.

Chính sách thuế quan Mỹ: Lợi ích chính trị, rủi ro kinh tế và bài toán cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Chính sách thuế quan Mỹ: Lợi ích chính trị, rủi ro kinh tế và bài toán cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Với Việt Nam, từ trước khi "cơn sóng dữ" thuế quan ập đến, Chính phủ đã xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi các nước gia tăng rào cản thuế quan, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Bên cạnh việc tích cực đàm phán là đa dạng hóa thị trường ngành hàng và sản phẩm, tận dụng ưu thế từ các FTA, lấy khoa học - công nghệ làm đòn bẩy…

Trong bối cảnh thách thức, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nhìn thấy nhiều cơ hội. Dưới góc độ một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng đi Mỹ và Châu Âu, đồng thời là chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, ông Đỗ Phú Đoàn, Giám đốc quản lý Chất lượng chuỗi cung ứng Công ty Vietnam Outsourcing nhận định: “Tôi thấy, chiến tranh thương mại và hàng rào thuế quan mang lại cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta”.

Ông Đoàn cho biết, trong đợt đi công tác tới Trung Quốc vừa qua đã nhận được rất nhiều tín hiệu từ các chủ doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển sang đầu tư tại Việt Nam hoặc kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất.

“Đây là một cơ hội cho chúng ta. Ngoài ra bản thân công ty chúng tôi và các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi khi một số khách hàng chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam và có yêu cầu cụ thể là chỉ mua hàng sản xuất tại Việt Nam, không mua hàng sản xuất tại Trung Quốc”.

Về thách thức, khi Mỹ dựng hàng rào thuế quan thì các mặt hàng sản xuất và xuất khẩu sẽ phải tăng giá bán, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa chúng ta. Bên cạnh đó, khi có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các khách hàng từ Mỹ và Châu Âu yêu cầu các nhà cung cấp không được sử dụng các nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Nga. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó về nguồn cung.

Để khắc phục các khó khăn này, chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm nguồn cung nguyên vật liệu và thị trường khách hàng thay thế, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Đặc biệt, cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam chúng ta đã ký kết với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát triển thêm khách hàng mới.

“Dưới cái áp lực cạnh tranh như này thì cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp chúng ta nhìn lại và tối ưu sản phẩm, tối ưu các chuỗi cung ứng, tối ưu quá trình sản xuất của mình”, chuyên gia nhận định.

PV (t/h)