Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện cũng đạt 2,95 tỷ USD, tăng 5,4%, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn rất vững chắc.

Việt Nam thu hút vốn FDI giữa
Việt Nam thu hút vốn FDI giữa "cơn bão" thuế quan Mỹ như thế nào?. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Thay vì rút lui, nhiều doanh nghiệp FDI đang chuyển sang chiến lược “đa dạng hóa thị trường”. Theo AmCham Vietnam, 41% công ty trong khảo sát cho biết, họ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ hơn là dịch chuyển nhà máy sản xuất.

Đáng chú ý, mô hình “Trung Quốc +1” – thiết lập cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc – đang dần chuyển thành “Việt Nam +1”. Trong đó, Việt Nam vẫn giữ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng, nhưng các doanh nghiệp bổ sung thêm cơ sở sản xuất vệ tinh ở các quốc gia khác để phân tán rủi ro.

Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Hạ tầng ngày càng đồng bộ với hệ thống cảng biển, đường cao tốc, sân bay hiện đại. Các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai được đầu tư bài bản, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu.

Chính phủ cũng không ngừng duy trì các chính sách ưu đãi hấp dẫn, như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 15 năm hoặc 5% trong 37 năm đối với các dự án trọng điểm.

Lợi thế về lao động và chuỗi cung ứng nội địa cũng là điểm sáng. Chi phí nhân công tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 45% so với Trung Quốc, trong khi lực lượng lao động có tay nghề cao, nhanh nhạy và năng suất tốt. Sau nhiều năm thu hút FDI, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái sản xuất điện tử quy mô lớn với sự góp mặt của Samsung, LG, Canon cùng nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa. Điều này giúp các nhà đầu tư tối ưu hóa chi phí logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Việt Nam thu hút vốn FDI giữa
Việt Nam thu hút vốn FDI giữa "cơn bão" thuế quan Mỹ như thế nào?. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Đặc biệt, Việt Nam sở hữu mạng lưới FTA rộng khắp như: CPTPP, EVFTA, RCEP… tạo điều kiện cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Úc với thuế suất ưu đãi.

Không chỉ giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài khi đón tiếp hai phái đoàn doanh nghiệp lớn từ Mỹ trong tháng Ba. Trong số đó có những tập đoàn hàng đầu như Apple, Boeing, Intel, Amazon, Coca-Cola…

Ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Chủ tịch USABC cho biết, số lượng doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này đạt kỷ lục phản ánh niềm tin mạnh mẽ của các doanh nghiệp Mỹ vào tương lai của Việt Nam; cam kết của các doanh nghiệp trong việc mở rộng thương mại và đầu tư vào Việt Nam. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ. Do đó, những cơ hội phía trước giữa doanh nghiệp hai nước còn rất lớn.

Không chỉ Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng liên tục có các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Châu Âu và Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, bán dẫn, công nghệ cao, chuyển đổi số và AI. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu mà còn ngày càng gia tăng vị thế trên bản đồ FDI toàn cầu.

Ít ngày trước, Nhà máy Lite-On Quảng Ninh đã được khởi công xây dựng tại Quảng Ninh. Với vốn đầu tư 690 triệu USD, đây là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô lớn được triển khai trong thời gian gần đây.

Lite-On chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất lớn toàn cầu như IBM, Sony, Samsung, Lenovo… Dự án trên được xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Khoai - Amata City Hạ Long (thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Ninh). Đây chính là khu vực được xác định là “hạt nhân”, là “động lực tăng trưởng mới” của tuyến phía Tây và của tỉnh Quảng Ninh.

Việt Nam thu hút vốn FDI giữa
Việt Nam thu hút vốn FDI giữa "cơn bão" thuế quan Mỹ như thế nào?. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Không chỉ Lite-On tin tưởng vào Việt Nam, nhiều “ông lớn” toàn cầu cũng đang lên các kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam. SCG là một ví dụ. Trong cuộc tiếp xúc gần đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết, Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (do Tập đoàn SCG đầu tư), vốn đầu tư 5 tỷ USD, đã hoàn thành và đi vào vận hành. Giờ đây, kế hoạch đầu tư thêm 400 triệu USD cho Dự án đang được xúc tiến.

Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều “ông lớn” toàn cầu khác cũng chia sẻ các kế hoạch tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, Hyosung muốn đầu tư thêm 1,5 tỷ USD để triển khai các dự án sản xuất công nghệ sinh học và sợi carbon tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Warburg Pincus tiếp tục đầu tư quy mô lớn vào dự án ở Hồ Tràm, đồng thời triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Cảng hàng không Long Thành đến Dự án Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng…

Trước đó, Quỹ đầu tư Saigon Asset Management, sau khi ra mắt Trung tâm dữ liệu SAM DigitalHub tại Bình Dương, đã lên kế hoạch huy động vốn lần đầu cho Quỹ Trung tâm dữ liệu Việt Nam, với tổng giá trị 300 triệu USD… Và không thể không nhắc tới kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD cho một dự án bán dẫn quy mô lớn của một “đại gia” công nghệ. Kế hoạch này chưa được công bố cụ thể, nhưng điều đó cũng cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.

Việt Nam thu hút vốn FDI giữa
Việt Nam thu hút vốn FDI giữa "cơn bão" thuế quan Mỹ như thế nào?. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

“Việt Nam có môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, ông Bae In Han, Tổng giám đốc Hyosung Đồng Nai và là đại diện cao nhất của Hyosung tại Việt Nam nói như vậy trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, đồng thời nhắc tới cam kết “đặt tương lai 100 năm tại Việt Nam” mà các nhà lãnh đạo Tập đoàn Hyosung đã nhiều lần nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để chuyển hóa tiềm năng thành hiệu quả thực tế, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Theo khảo sát, thủ tục hành chính phức tạp, hệ thống thuế chưa đồng bộ và khó khăn trong cấp visa cho chuyên gia nước ngoài vẫn là những rào cản chính đối với doanh nghiệp FDI.

Đó là lý do mà trong các cuộc gặp gỡ, đại diện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đưa ra nhiều kiến nghị chính sách. Chẳng hạn, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, ông Bae In Han kiến nghị thiết lập cơ chế một cửa để giải quyết nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc liên quan khung khổ pháp luật. Ông đồng thời đề cập các kiến nghị về ưu đãi thuế, hoàn thuế…

Đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam mới đây cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian ra quyết định… Các chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như bán dẫn, AI, bao gồm cả phát triển trung tâm tài chính quốc tế, đã nhiều lần được các nhà đầu tư đề cập.

PV (t/h)