Giải ngân FDI năm 2024, cao nhất trong 6 năm qua
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, tổng vốn FDI năm 2024 ước tính giải ngân trên 25 tỷ USD, cao nhất trong 6 năm qua, cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các con số này đã cho thấy dòng vốn ngoại ngày càng triển khai nhanh đi vào thực chất của nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ, Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị, sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Các điều kiện cơ bản như đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực đã có rất nhiều đổi mới trong năm 2024, nhất là nguồn nhân lực có sự đào tạo 50.000 kỹ sư, người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và chip bán dẫn. Khi tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, rõ ràng Việt Nam đã cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại, sẽ là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh”.
Theo các chuyên gia nước ngoài thì, khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam nhờ 3 yếu tố chính, sự ổn định của môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thứ hai là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, pháp lý và cuối cùng là vị trí chiến lược trong thương mại toàn cầu.
Hy vọng, Nghị định số 182 về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư vừa ban hành có những chính sách thu hút dòng vốn công nghệ cao được dự báo sẽ thúc đẩy vốn FDI vào Việt Nam hơn nữa.
Năm 2025, có thể thu hút trên 30 tỷ USD vốn FDI
Những yếu tố trên đã làm dẫn đến thành công của năm 2024, còn 2025, thu hút FDI toàn cầu hiện gặp nhiều thách thức, đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 - nhận định: Giải ngân vốn FDI vào Việt Nam trong 2025 có thể đạt kỷ lục mức trên 30 tỷ USD, nhờ hấp lực từ các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm...
Cũng theo thạc sỹ Vũ Tuấn Anh thì, Việt Nam thu hút FDI nhờ dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel, cùng quyết tâm phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao thông qua môi trường kinh doanh hấp dẫn, ưu đãi và thủ tục đầu tư đặc biệt.
Các chuyên gia đến từ UNDP và Eurocham lưu ý, để chuẩn bị cho năm 2025 và nhiều năm tới, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh “tốc độ” hơn, bởi đây là “đáp án” cho các doanh nghiệp, ngành sản xuất tận dụng lợi thế xuất khẩu, duy trì tăng trưởng trưởng bền vững.
PV (t/h)