Theo đó, công văn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý thích đáng tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý đã để xảy ra vụ án trên; đồng thời có ý kiến đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét chỉ đạo xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật với hình thức xử phạt đúng người, đúng tội theo quy định.

Công văn nêu rõ, vừa qua, TAND TP. HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn bán gian lận, xảy ra tại Công ty CP VN Pharma và đã có phán quyết. Qua thông tin nắm được, VATAP nhận thấy vụ việc này kể từ khi bị phát hiện, điều tra, xét xử và ngay cả khi kết thúc vẫn gây bức xúc cho nhiều người dân, dư luận tiếp tục bàn tán về nhiều vấn đề.

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam: Cần xử lý nghiêm khắc VN Pharma - Hình 1

Do mặt hàng vi phạm là thuốc chữa bệnh, lại là thuốc chữa ung thư nên người dân, dư luận rất muốn cơ quan điều tra, VKS và TA xác định đúng bản chất của hành vi kinh doanh trái phép thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, thuốc giả không đủ các hoạt chất và chất hữu hiệu để chữa bệnh nhằm lừa dối người tiêu dùng, là hành vi buôn bán hàng giả. Đây thực sự là hành vi mang “tính tội ác”. Xử như vậy là quá nhẹ, có thể tạo tiền lệ xấu, rất bất lợi khi xử các vụ buôn bán thuốc giả sau này. Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ làm thuốc giả, kể cả thuốc đông y, tây y, đã xử lý chưa đúng mức, hậu quả bất lợi về sau.

Trước tình hình đó, VATAP cho rằng:

Thứ nhất, cần phải tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc này, trong đó cần làm rõ một số vấn đề như việc XNK thuốc chữa bệnh đều phải có quy trình quản lý, cấp phép; nếu không thực hiện đúng thì phải làm rõ thêm những dấu hiệu, chứng cứ cần thiết, từ đó quy trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm quản lý hành chính hay vì động cơ nào khác để xem xét, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, không bỏ lọt tội phạm.

Thứ hai, cần tiếp tục làm rõ những vấn đề bất cập thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế trong quy trình xử lý của từng khâu, có quy định quản lý nào bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngăn chặn những kẽ hở trong quy định của pháp luật. Đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ quản lý đối với vụ việc này và một số cá nhân liên quan có trách nhiệm thế nào khi việc xử lý cấp phép cho Công ty VN Pharma NK lô thuốc này chỉ trong thời gian ngắn, khác thường so với các trường hợp khác?

Thứ ba, trong vụ việc này, có nhiều dấu hiệu khác như thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, người XK giả mạo, hồ sơ giấy tờ giả mạo, sản phẩm là hàng giả, đặc biệt là thuốc chữa ung thư (hồ sơ giả)… thế mà vẫn lọt qua các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng, cho thấy một số đối tượng khác ngoài những người bị đưa ra xét xử có yếu tố phạm tội, còn có những người tòng phạm hoặc thiếu trách nhiệm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, vì thuốc không có tác dụng chữa bệnh.

Thứ tư, khẳng định của lãnh đạo Bộ Y tế về lô thuốc 9.000 hộp trị ung thư, do Công ty VN Pharma nhập trong vụ án này không phải hàng giả là không đúng, không thuyết phục được dư luận, cũng như giới luật gia. Bởi thuốc chữa bệnh, ngoài việc tuân thủ Luật Dược cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, thì còn phải tuân thủ các văn bản quy phạm khác quy định về hàng giả.

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013, tại Khoản 8, Điều 3 quy định về hàng giả: “Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”.

Ở đây, còn trầm trọng hơn là hàm lượng chất chữa bệnh ung thư không có hoặc không đáng kể, ngoài ra còn có các trường hợp được xác định là hàng giả, bao gồm:

Trích NĐ 185 - Khoản 8, Điều 3 “Hàng giả” gồm:

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Các loại thuốc chữa bệnh, do có tính chất đặc biệt quan trọng là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh nên mọi trường hợp dù là không có dược chất hay dược chất trong thuốc không đúng hàm lượng đã đăng ký, không đủ loại dược chất, hoặc có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa thì đều bị coi là hàng giả. Vì vậy, không có cơ sở để xác định trường hợp thuốc chữa bệnh kém chất lượng. Ngoài ra, nếu đúng như thông tin đã phản ánh thì nếu thuốc của Công ty VN Pharma có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì cũng phải bị xác định là hàng giả theo đúng quy định nêu trên.

Thứ năm, cơ quan chức năng cần phải tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, tránh các kẽ hở để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật, tổ chức sản xuất, kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... Cơ chế, quy định về quản lý NK thuốc của Bộ Y tế phải bảo đảm thật sự công khai minh bạch để hạn chế, tiến tới không còn hiện tượng nhiều DN đã nộp hồ sơ đầy đủ mà vẫn bị mất nhiều thời gian mới được cấp, thậm chí bị chặn lại khi cơ quan chức năng thấy nghi ngờ; nhưng lại có những trường hợp như của Công ty VN Pharma lại được Bộ Y tế cấp quá dễ dãi? Hiệp hội cho rằng cần làm rõ quá trình xử lý vấn đề này tại Bộ Y tế xem có vấn đề vụ lợi hay không?

Thứ sáu, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay đang có xu hướng tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực từ hàng tiêu dùng thông thường, thuốc chữa bệnh cho người, động vật, thực vật, thú y, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật. Vì thế, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá bản chất vụ việc và xử lý nghiêm với hình thức mạnh hơn, đúng người, đúng tội; không để bỏ lọt tội phạm, có sự răn đe mạnh mẽ đối với các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh.

Hà Thu