Hoài Đức (Hà Nội): Nhiều nghi vấn đằng sau việc xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch - Hình 1

Công ty Nước sạch Tây Hà Nội - Đơn vị chủ đầu tư dự án cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức

Gồng mình "đóng tiền" mua nước sạch?

Vừa qua, Thương hiệu và Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc về những câu chuyện lùm xùm trong việc đóng tiền mua nước sạch nông thôn tại địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Cụ thể, từ khoảng tháng 4 – tháng 7/2017, xuất hiện Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội (WADACO) tiến hành cắt xén đường bê tông của làng, lắp đặt ống dẫn nước sạch. Người dân không được thông báo, họp bàn gì, kể cả việc đường bê tông của thôn làng (do dân đóng góp xây dựng) bị cắt xẻ để thi công.

Khi đường ống nước chưa được lấp xong, các hộ trong xóm được cán bộ phụ nữ, cán bộ công tác mặt trận phát cho mỗi hộ 01 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị lắp nước sạch và Thỏa thuận đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống cấp nước sạch do WADACO phát hành có đóng dấu sẵn. Theo đó, hộ nào muốn đăng ký lắp đặt nước sạch thì sẽ đồng nghĩa với việc đồng ý nộp 4.200.000 đồng để góp tiền lắp đặt hệ thống cấp nước, số tiền này được khấu trừ vào tiền sử dụng nước hàng tháng ở mức 44.000 đồng.

Cũng theo phản ánh, những hộ đã đóng tiền, họ lại phải bỏ tiền ra để chi trả khoản tiền mua đồng hồ và công lắp đặt cho Chủ đầu tư (WADCO). Điều lạ là, “tiền công lắp đồng hồ thu vô tội vạ, tùy thuộc vào ý định chủ quan của thợ lắp nước”.

Người dân cho rằng, WADACO thực hiện dự án như vậy là không minh bạch, chưa chú ý tới tiếng nói của người dân, thậm chí làm sai quy định của Thành phố!?

Tìm hiểu được biết, tại Quyết định số 1842/QĐ-UBND ngày 22/3/2017, WADACO (tên cũ là: Công ty cổ phần Hạ tầng kỹ thuật VTS) là đơn vị được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn 14 xã và Thị trấn Trạm Trôi thuộc huyện Hoài Đức. Theo Quyết định nêu trên, WADACO, có nhiệm vụ: nối đường ống nước tập trung từ Đại Lộ Thăng Long vào địa bàn, cấp nước cho 15 xã, thị trấn của huyện Hoài Đức, gồm: Lại Yên, Song Phương, Tiền Yên, Đắc Sở, Đức Giang, Sơn Đồng, Vân Canh, Đức Thượng, Kim Chung, Di Trạch, Yên Sở, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế và thị trấn Trạm Trôi với 40.000 hộ - 160.000 dân (Công ty nước sạch Hà Đông thực hiện cấp nước cho 2 xã Vân Côn và An Thượng).

Chủ đầu tư nói gì?

Hoài Đức (Hà Nội): Nhiều nghi vấn đằng sau việc xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch - Hình 2

Công văn số 4396/UBND-QLĐT ngày 29/6/2017 của UBND huyện Hoài Đức do PCT Nguyễn Hoàng Trường ký chấp thuận với đề xuất thu 4,2 triệu đồng/hộ tiền xã hội hóa nước sạch nông thôn (áp dụng trên toàn huyện Hoài Đức) mà công ty Nước sạch Tây Hà Nội đưa ra

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hà – Tổng Giám đốc WADACO khẳng định, WADACO huy động sự đóng góp của người dân dựa trên các Quy định của TP. Hà Nội và Công văn số 4396/UBND-QLĐT ngày 29/6/2017 của UBND huyện Hoài Đức. Còn số tiền góp vốn 4,2 triệu đồng/hộ đã được UBND huyện thẩm định theo quy trình, theo đề xuất của WADACO tại văn bản số 26/2017/WDC-CV ngày 26/6/2017.

Cụ thể, như sau: WADACO được xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 14 xã và 1 thị trấn thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, với tổng mức đầu tư sơ bộ là 575,712 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí cụm đồng hồ D15 lắp vào các hộ dân). Mức đầu tư trên cấp cho 40.000 hộ dân trong địa bàn dự án, như vậy mỗi suất đầu tư là khoảng 14,3 triệu đồng. Khi đó, WADACO đề xuất phương án công ty đầu tư 70,64% (tương đương 10,1 triệu đồng), còn các hộ dân đóng góp 29,36% (tương đương 4,2 triệu đồng). Với mức đóng góp này thì WADACO có trách nhiệm lắp đặt đường ống, đồng hồ, và đầu chờ nước tới ranh giới bên ngoài hộ dân, còn hệ thống để sử dụng trong ranh giới và gia đình do người dân chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được cung cấp hồ sơ liên quan tới việc xây dựng, cấu thành giá trị tổng mức đầu tư để biết chính xác giá trị của dự án thì ông Hà cho hay: “Phải báo cáo lãnh đạo,... và sẽ cung cấp sau” !?

Một vấn đề khác, theo tìm hiểu của PV, tại địa bàn huyện Hoài Đức, WADACO không phải đầu tư xây dựng giếng khoan, trạm bơm và bộ lọc; nhiệm vụ của họ là nối mạng (từ đường ống nước tập trung từ Đại Lộ Thăng Long) vào địa bàn, rồi tiến hành cấp nước cho người tiêu dùng tới đồng hồ của mỗi hộ.

Xã hội hóa hay bắt buộc?

Hoài Đức (Hà Nội): Nhiều nghi vấn đằng sau việc xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch - Hình 3

Thư ngỏ mà Công ty Nước sạch Tây Hà Nội gửi tới người dân xã Song Phương, trong đó có các bước để được sử dụng nước sạch. Ở đây, dư luận đặt câu hỏi: người dân muốn được lắp đặt đường ống, lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch thì bắt buộc phải đóng 4,2 triệu đồng/ hộ tiền góp vốn?

Cũng tại buổi làm việc, ông Hà có cung cấp cho PV thông báo số 41/NSTHN-TB ngày 27/7/2017 của WADACO gửi cho nhân dân xã Song Phương, liên quan tới việc cấp nước sạch, trong đó có nói rõ: Đây là dự án an sinh xã hội, phục vụ cho nhân dân xã, do vậy toàn bộ người dân được phục vụ lắp nước; về thủ tục chỉ cần có hộ khẩu, sổ đỏ hoặc các giấy tờ về lưu trú. Trường hợp không có 2 loại giấy tờ trên sẽ thay bằng xác nhận của UBND xã. Tuy nhiên, trong phần “Phương án triển khai” lại nhấn mạnh theo trình tự sau: Đầu tiên, người dân phải làm đơn đăng ký cấp nước sạch; tiếp đó phải ký thỏa thuận góp vốn và đóng số tiền 4,2 triệu/hộ; rồi sau đó WADACO mới tiến hành lắp đặt đường ồng, đồng hồ; và sau cùng mới ký hợp đồng mua bán nước sạch – cấp nước.

Ở đây, có thể hiểu rằng, người dân muốn dùng nước sạch thì bắt buộc phải đóng số tiền 4,2 triệu đồng. Điều này, trái ngược hoàn toàn so với khẳng định của ông Hà khi trao đổi với PV trước đó ít phút. Khi đó, ông Hà khẳng định: “Việc thu tiền này là không bắt buộc,..”.

Như vậy, ngay từ ban đầu, nhân dân Hoài Đức và dư luận có quyền đặt vấn đề: việc thực hiện dự án của WADACO tại Hoài Đức đã đảm bảo tuân thủ nguyên tắc công khai của xã hội hóa? Việc góp tiền của dân có phải là bắt buộc? Mức góp 4.200.000 đồng/hộ sử dụng có hợp lý, dựa trên căn cứ nào? Quan trọng hơn cả, nội dung thực hiện dự án có trái quy định của Thành phố?

Theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội về chi phí xây dựng hệ thống ống dịch vụ và đồng hồ đo nước: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ bao gồm cả đồng hồ đo nước; sau đồng hồ đo nước do khách hàng sử dụng nước chịu trách nhiệm về chi phí, đầu tư.” (Điều 6 của Quyết định số 69/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ các công trình cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND Thành phố).

Hải Minh