Fintech ngày nay được hiểu là ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình phân phối và sử dụng dịch vụ tài chính. Các ứng dụng Fitech được sử dụng rộng rãi trong nhiều dịch vụ tài chính như: gọi vốn, cho vay, thanh toán, bảo  hiểm, đầu tư,… Bài viết này chủ yếu
thảo luận về một số ứng dụng phổ biến của Fintech áp dụng đối với các dịch vụ tương tự dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam qua đó nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn của các ứng dụng này. Các ứng dụng Fintech phổ biến bao gồm những ứng dụng như: thanh toán, chuyển tiền, gọi vốn trực tuyến, cho vay ngang hàng, và quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, các dịch vụ ngân hàng (hoặc ít nhất tương tự như các dịch vụ ngân hàng) được cung cấp bởi các doanh nghiệp Fintech, những doanh nghiệp không phải là ngân hàng, có thể làm phát sinh một số rủi ro tiềm ẩn như: mất vốn của người tiền, rủi ro an ninh hệ thống, rủi ro bảo mật thông tin của khách hàng, nợ xấu của ứng dụng vay ngang hàng, tính tương thích của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, bài viết cũng thảo luận một số hàm ý chính sách nhằm giảm thiểu những rủi ro trong quá trình phát triển Fintech, góp phần phát triển bền vững thị trường tài chính tại Việt Nam nói chung. 

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Việc ứng dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics), chia sẻ dữ liệu mở qua giao diện lập trình ứng dụng (open API), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (A.I)... vào các mô hình kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các TCTD ngày càng phổ biến.

Tại Việt Nam, số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech đã tăng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Trong số đó, có 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp Giấy phép; trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) là khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của Fintech đã khiến cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Cũng như nhiều cơ quan quản lý trên thế giới, NHNN và một số cơ quan liên quan cũng đang gặp phải những thách thức mới trong công tác quản lý Nhà nước bởi nhiều mảng, lĩnh hoạt động của các công ty Fintech hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Cơ quan soạn thảo cho biết, Cơ chế thử nghiệm được xây dựng nhằm đạt được các mục tiêu lớn: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, hiệu quả với chi phí thấp; Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý; Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi tham gia sử dụng các giải pháp Fintech tham gia thử nghiệm chưa được quy định trong khung khổ pháp lý, quy định quản lý chính thức. Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Căn cứ thực tiễn các lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam, NHNN đã rà soát, phân loại và đề xuất lựa chọn sáu giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép tham gia thử nghiệm tại dự thảo Nghị định gồm: Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; Chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng; Cho vay ngang hàng; Ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng; và Ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này là quy định về Công ty cho vay ngang hàng trong quá trình tham gia Cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hành vi sau: Cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; Cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; Sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng. Các nhân sự sáng lập, quản lý điều hành tham gia vay, cho vay và là bên bảo đảm hoặc bảo lãnh qua giải pháp Fintech do mình vận hành cũng không được lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành làm thay đổi các thông tin qua giải pháp Fintech, thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Nhân sự quản lý, điều hành Công ty cho vay ngang hàng không được: đồng thời là chủ sở hữu, nhân sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp; là chủ các dây hụi, họ hoặc đang làm trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến trung gian thanh toán, ví điện tử.

Theo dự thảo Nghị định, thời gian và phạm vi thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa hai năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được NHNN cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Căn cứ vào tình hình thực hiện thử nghiệm thực tế, NHNN có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm.

Cơ quan soạn thảo kỳ vọng khi Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Thực tiễn triển khai thử nghiệm sẽ cung cấp cơ sở thực tiễn quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Hoàng Thăng (t/h)