Chương trình nằm trong khuôn khổ sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 19 năm 2023. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Đà Nẵng, Văn phòng JICA tại Việt Nam cùng đông đảo người dân, du khách.
Chương trình đã tái hiện cảnh thương gia Araki Sotaro rước Công nữ Ngọc Hoa lên thuyền về Nagasaki với các cảnh "rước dâu - đưa dâu", "lên thuyền về nhà chồng", "lênh đênh trên Biển Đông".
Công nữ Ngọc Hoa có tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, là con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Bà được chúa Sãi gả cho một thương gia Nhật Bản, chủ thương gia lớn của Nhật Bản tại thương cảng Hội An là Araki Sotaro. Ông được chúa Sãi ban quốc tịnh và mang tên Việt Nam là Nguyễn Hiển Hùng. Ông trở thành cầu nối giữa các chúa Nguyễn với các vương triều Nhật Bản vào thời điểm đó.
Công nữ Ngọc Hoa theo chồng về Nhật Bản năm 1619 và qua đời vào năm 1645. Hiện nay Viện Bảo tàng Nghệ thuật Nagasaki vẫn lưu giữ chiếc gương soi của bà.
Tại Nagasaki, câu chuyện giữa Công nữ Ngọc Hoa và Araki Sotaro trở thành một truyền kỳ, là nguồn cảm hứng để người dân trong vùng xây dựng thành một phần trong lễ hội Ô-kưn-chi diễn ra vào đầu tháng 10 hàng năm.
Có thể nói công nữ Ngọc Hoa là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên lấy chồng Nhật Bản và có công rất lớn trong mối quan hệ thông thương mua bán giữa hai quốc gia Việt - Nhật.
Từ câu nói “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Chính điều này đã làm thay đổi hẳn cục diện lịch sử Việt Nam thời bấy giờ. Từ sau mốc thời gian này với cơ chế thông thoáng, mở rộng thông thương, buôn bán với các nước trên thế giới đã đưa nền kinh tế đàng Trong Việt Nam lên ngang hàng với kinh tế vua Lê chúa Trịnh đàng Ngoài.
Hoàng Gia Bảo